Không chủ quan với lạm phát

30/12/2015 07:00 GMT+7

Khép lại phiên họp trực tuyến với các địa phương ngày 29.12, Chính phủ khẳng định năm 2016 sẽ triệt để tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn lực tăng lương đúng lộ trình. Đặc biệt, không thể tự mãn và chủ quan với lạm phát.

Khép lại phiên họp trực tuyến với các địa phương ngày 29.12, Chính phủ khẳng định năm 2016 sẽ triệt để tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn lực tăng lương đúng lộ trình. Đặc biệt, không thể tự mãn và chủ quan với lạm phát.

Nền kinh tế đang chuyển biến tích cực - Ảnh: Ngọc ThắngNền kinh tế đang chuyển biến tích cực - Ảnh: Ngọc Thắng

Đánh giá chung về tình hình ngân sách, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết năm 2015 dự toán Quốc hội giao 911.000 tỉ đồng, tính đến 26.12 đã thực hiện vượt 4,2%, đạt khoảng 976.000 tỉ đồng, tăng gần 65.000 tỉ đồng so dự toán. Số này đủ để bù cho khoản hụt thu do giá dầu giảm, nên ngân sách T.Ư không phải dùng 10.000 tỉ đồng từ tiền bán vốn cổ phần hóa để cân đối. Trong năm 2015, thống kê cho thấy có 55 địa phương hoàn thành dự toán, trong đó 36 vượt dự toán thu trên 10%, 8 địa phương hụt thu.

Quán triệt chủ trương thắt chặt chi tiêu


Nhiều đoàn công tác nước ngoài nhưng không hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết năm 2015 các bộ ngành, địa phương đi công tác, học hỏi kinh nghiệm nước ngoài là 2.105 đoàn, giảm 10% so với năm 2014. Có 35 tỉnh thành giảm, còn lại trên 20 tỉnh, thành tăng số lượng đoàn đi. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, một số đoàn chủ yếu đi học tập kinh nghiệm chưa hiệu quả, chưa có chương trình hợp tác cụ thể với các nước bạn.

Ở phía “đầu ra”, nhiệm vụ chi ngân sách năm tới theo ông Đinh Tiến Dũng là rất nặng nề. Do đó, ngay trong quý 1/2016, Bộ sẽ có đánh giá chính thức để báo cáo Thủ tướng giải pháp điều hành cụ thể trên tinh thần triệt để tiết kiệm từ đầu năm; dành nguồn lực để tăng lương và chi tiêu cho các mục tiêu quan trọng khác. Trước đó, ngày 11.11, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách năm 2016, trong đó có việc tăng lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức từ 1.5.2016.
Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng không chỉ trong năm 2016 mà cả giai đoạn 2016 - 2020 cần quán triệt chủ trương chung là thắt chặt chi tiêu, bởi hiện tại ngân sách đang vô cùng khó khăn; song song với đó phải nâng cao kỷ luật tài chính. Ngoài ra, Bộ Tài chính cần xây dựng các phương án linh hoạt điều hành giá dầu tương tự như năm 2015; cần quản lý chặt chẽ nợ công và phương án cơ cấu lại thu - chi ngân sách, qua đó giảm dần bội chi; không ban hành các chính sách mới tăng chi mà không có nguồn đảm bảo.
Năm tới, vẫn theo Phó thủ tướng, tình hình sẽ còn rất nhiều khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm để có điều kiện tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, mặt bằng lãi suất hiện tại phù hợp với định hướng lâu dài duy trì lạm phát dưới 5%. Sở dĩ năm 2015, lạm phát thấp (chỉ 0,65%) là do các yếu tố bên ngoài tác động, đặc biệt giá dầu và các mặt hàng thiết yếu giảm.

Các đồng chí đã tích cực cải cách nhưng vẫn còn nhiều chuyện phiền hà, nhũng nhiễu về thủ tục. Thủ tục thuế, hải quan, đất đai, đầu tư... đều liên quan đến doanh nghiệp,
người dân nên phải sâu sát để cải cách thật mạnh mẽ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Năm 2014 loại bỏ các yếu tố này, lạm phát ở mức 4,97%, còn năm 2015 khoảng 3%. Do đó, lạm phát sẽ là ẩn số khó lường cũng như dư địa để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất không còn nhiều. Nếu tiếp tục giảm lãi suất có thể đạt được kết quả trong ngắn hạn nhưng lại vỡ ổn định lâu dài.Đặc biệt, có thể gây khó khăn khiến trái phiếu chính phủ không còn hấp dẫn, trong khi 2016 phải huy động hàng trăm nghìn tỉ đồng từ kênh này.
“Từ những lý do trên, NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất ở mức tương đương 2015. Tuy nhiên, đối với lãi suất vay trung và dài hạn có thể giảm thêm 0,3%/năm đến tối đa 0,5%/năm”, Thống đốc cho biết.
Không thể “dựa” mãi vào ngân sách
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lo ngại trước tình trạng các vụ việc chống bán phá giá thời gian qua diễn ra ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhiều hàng hóa dù trong nước sản xuất được, có thể đáp ứng tới 90% nhu cầu, thậm chí dư thừa xuất khẩu như phôi thép, phân bón, tôn mạ... nhưng vẫn phải đi nhập của nước ngoài. Đặc biệt, năm 2015 phải nhập 2,5 triệu tấn phân đạm.
“Nếu đợi hàng hóa tràn ngập thị trường mới giải quyết, hậu quả sẽ rất lớn. Như thép lậu Trung Quốc, các nước Đông Nam Á họ đưa ra biện pháp và hàng rào kỹ thuật nhưng vẫn không vi phạm các cam kết”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị.


Tại phiên họp, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, số vụ việc ngư dân bị bắt giữ, xử phạt khi xâm phạm vào các vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia khác đang ngày càng nhiều. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT cùng các địa phương tăng cường tuyên truyền, giáo dục và quản lý ngư dân, tránh để vi phạm xảy ra, bởi các vụ việc này khi giải quyết vô cùng phức tạp.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Vượt qua tất cả, nền kinh tế của nước ta chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tạo tiền đề để phát triển mạnh hơn, vững chắc hơn trong những năm tới. Mặc dù vậy, chúng ta không được chủ quan, tự mãn vì khó khăn, hạn chế còn rất nhiều”. Thủ tướng nêu rõ để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2016, bên cạnh các nhóm giải pháp đã nêu trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ cần phải kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế...
Đặc biệt việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, sửa đổi kịp thời chính sách pháp luật phải coi là nhiệm vụ trọng tâm. “Các đồng chí vừa nói một dự án làm mất vài trăm ngày. Thời gian đó có thể vừa bay lên vũ trụ vừa về rồi. Một dự án mà mất mấy trăm ngày thế làm sao được”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủ tướng lưu ý: “Để đột phá kết cấu hạ tầng, chỉ nhìn vào ngân sách, trái phiếu thì không đủ. Cứ xách cặp chạy ra Hà Nội xin suốt thì không được đâu. Phải tạo ra thể chế, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn xã hội”. Đối với vấn đề cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng nhận xét:“Các đồng chí đã tích cực cải cách nhưng vẫn còn nhiều chuyện phiền hà, nhũng nhiễu về thủ tục. Thủ tục thuế, hải quan, đất đai, đầu tư... đều liên quan đến doanh nghiệp, người dân nên phải sâu sát để cải cách thật mạnh mẽ”.
Tỷ giá, lãi suất năm 2016 chịu nhiều sức ép hơn 2015
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra báo cáo với dự báo năm 2016, tỷ giá sẽ có nhiều sức ép mạnh hơn 2015. Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2016, cán cân thanh toán có một số thuận lợi như đầu tư trực tiếp nước ngoài (giải ngân) dự báo tăng lên 13,5 tỉ USD, đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng, kiều hối dự báo sẽ tăng lên 14 tỉ USD, Chính phủ có kế hoạch phát hành 3 tỉ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Thế nhưng vẫn còn một số yếu tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán như nhập siêu tăng nhanh (dự báo khoảng 4 tỉ USD), xu hướng các đồng tiền mất giá so với USD ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu VN. Đồng thời, lãi suất sẽ chịu nhiều sức ép từ các yếu tố như lạm phát tăng, cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ không giảm, lãi suất USD trên thị trường thế giới tăng...
T.Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.