Không chỉ có người trẻ khởi nghiệp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
24/11/2018 07:52 GMT+7

Hôm qua (23.11), Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018 lần đầu tiên với chủ đề “Kiến tạo đô thị Sáng tạo - Tương tác - Vai trò động lực của doanh nghiệp” đã được tổ chức tại TP.HCM.

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và nhiều diễn giả, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước. Chủ đề làm thế nào để nâng cao hệ sinh thái khởi nghiệp, vai trò của các DN lớn, vai trò của Chính phủ... trong cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 đã được đưa ra thảo luận tại 2/4 phiên thảo luận trong diễn đàn.
Có ý tưởng nhưng thiếu nguồn lực
Ông Tony Wheeler, nhà sáng lập ImagineX, cố vấn cấp cao của Startup Vietnam Foundation, tại phiên thảo luận “Giải pháp nâng cao hệ sinh thái sáng tạo - khởi nghiệp và vai trò của các DN lớn” nêu vấn đề, một trong những thách thức của VN trong công nghiệp 4.0 là có quá nhiều công ty khởi nghiệp đang loay hoay trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống sang hiện đại, số hóa thay vì phải bắt tay ngay vào những việc lớn hơn. Điểm yếu lớn nhất của những startup Việt, theo kinh nghiệm của ông Tony Wheeler, là chỉ đưa ra được ý tưởng sáng tạo, nhưng không đủ nguồn lực để biến nó thành sản phẩm đưa ra thị trường.
Không chỉ có người trẻ khởi nghiệp
Lãnh đạo TP.HCM tại diễn đàn Ảnh: Độc Lập
Đồng quan điểm, ông Lê Minh Nhựt, quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, đưa ra 3 điểm yếu của những startup Việt. Đó là thiếu thông tin, không có tư duy ứng dụng công nghệ vào thị trường nào và nguồn lực hỗ trợ có thừa nhưng không hề chú tâm tìm hiểu... Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo VN, nhấn mạnh nhiều startup quá chú trọng và quá “đam mê” nói về ý tưởng của mình mà không cần biết khách hàng có quan tâm ý tưởng đó không, bán sản phẩm đó thế nào, bán cho ai… “10 yếu tố để trở thành startup thành công, đa số các nhà khởi nghiệp của chúng ta mới có 1 là ý tưởng. Còn lại những kỹ năng tiếp thị, bán hàng, tìm kiếm nhà đầu tư, nhà hỗ trợ tinh thần, nhà cố vấn để hoàn thiện ý tưởng, tìm DN dẫn đầu để học hỏi... hầu như không quan tâm”, ông Đức nói.
Các chuyên gia cho rằng, muốn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, VN nên suy nghĩ tự làm ra giải pháp chứ không nên chỉ nhập khẩu các kỹ năng và kinh nghiệm từ các quốc gia khác. “Chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ họ, rút ra những kỹ năng và chuyên môn của họ, nhưng mục tiêu cuối cùng phải có sản phẩm bằng năng lực và kỹ năng của người Việt”, ông Tony Wheeler nhấn mạnh.
Kinh nghiệm khởi nghiệp ở các nước phát triển
Ông Hoàng Minh Trí, Giám đốc AiPac (San Jose, Mỹ), người khởi nghiệp thành công tại thung lũng Silicon (Mỹ), cho rằng việc Chính phủ VN đang thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp vì công nghiệp 4.0 cũng chính là cơ hội cho VN phát triển nhanh, mạnh. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, 75% các nhà khởi nghiệp đều thất bại. Đổi lại, các DN có kinh nghiệm lại khởi nghiệp thành công đến 75%, chỉ 25% gặp rủi ro.
Lấy kinh nghiệm từ cố vấn và phát triển hệ sinh thái Úc, ông Tony Wheeler lưu ý: “Có một việc rất đáng quan tâm tại VN là hầu hết các DN khởi nghiệp là sinh viên trẻ. Tuy nhiên trên thế giới, phần lớn DN khởi nghiệp từ 30 - 50 tuổi. Nhà sáng lập thành công nhất cũng ở tuổi 45. Lý do những người này đã có kinh nghiệm, hiểu bản chất lĩnh vực mình tham gia và những vấn đề liên quan. Từ đó, họ có nhiều phương pháp để tự nuôi sống bản thân trong giai đoạn đầu và phát triển mạnh mẽ sau đó”. Thế nên, khái niệm khởi nghiệp nên được hiểu rộng ra với DN lớn có những sản phẩm đột phá về công nghệ, có tính dẫn dắt nền kinh tế, chỉ bảo cho những người khởi nghiệp. DN lớn xây dựng một ngành công nghiệp thành công, có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ khởi nghiệp cần được ưu đãi từ Chính phủ.
Các diễn giả cũng lưu ý, một sản phẩm đột phá thường có mức độ rủi ro cao. Chính phủ cần tạo điều kiện hoặc sân chơi để thử nghiệm sản phẩm đó, bởi DN tư nhân không đủ nguồn lực để duy trì và nuôi sản phẩm đột phá đó lâu dài được.
Bổ sung thêm ý kiến các diễn giả, bà Mandy Nguyễn, Giám đốc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation, chia sẻ: "Theo tôi, mô hình DN VN nhắm đến là đưa chuyên gia về hỗ trợ, giúp xây công nghệ, nâng cao chất lượng nhân sự và sản phẩm của mình… Sau đó, họ sẽ phát triển được những sản phẩm công nghệ bằng trí thông minh người Việt”.
Phát biểu chỉ đạo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ sẽ đẩy mạnh kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang tăng trưởng chiều sâu. Trong đó lấy ứng dụng khoa học, công nghệ trong DN làm trọng tâm và nâng cao nguồn lực con người có tri thức và trí tuệ làm khâu đột phá...; tạo tăng trưởng bền vững cho đất nước. Với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, Phó thủ tướng lưu ý TP.HCM cần giải quyết nhiều bài toán khó về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thể chế cũng như các thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu. Và để phát huy hiệu quả đạt được từ Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2018, TP cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng cạnh tranh. Đặc biệt quyết liệt đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nền kinh tế tri thức. Chú trọng phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp lần thứ 4, thật sự coi DN và người dân là trung tâm đi đầu trong thương mại hóa các nghiên cứu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.