Khóm Thạnh Lợi 'lên đời'

10/02/2018 11:50 GMT+7

Khóm Thạnh Lợi (H.Bến Lức, Long An) đang dần khẳng định thương hiệu và năm nay trúng mùa, được giá nên nông dân phấn khởi.

Xã Thạnh Lợi có diện tích trồng khóm nhiều nhất tỉnh Long An với gần 500 ha. Vùng đất này quanh năm nhiễm phèn, các loại cây trồng khác không phát triển được nhưng khóm lại thích nghi và mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Văn Giỏi (59 tuổi, ngụ xã Thạnh Lợi), chu kỳ mỗi năm cây khóm chỉ ra trái một đợt nhưng người trồng có thể xử lý cho khóm ra trái vào thời điểm thích hợp theo ý mình. Nhờ đó mà khóm Thạnh Lợi có trái quanh năm, không xảy ra tình trạng thu hoạch rộ, dội hàng.
Ông Phạm Văn Tín (67 tuổi, ngụ xã Thạnh Lợi) cho biết trước đây gia đình ông trồng mía, sau đó trồng chanh nhưng đều thất bại nên ông quyết định chuyển đổi 8 ha đất sang trồng khóm; trong đó có 2 ha cho thu hoạch đúng vào dịp tết. Giá khóm hiện được thương lái thu mua 5.000 - 6.000/trái, riêng khóm chưng tết dao động 10.000 - 12.000 đồng/ trái. Với giá này, mỗi ha ông Tín thu lãi 50 - 70 triệu đồng.
Nhiều nông dân thường chọn khóm xanh để trồng cho dễ tiêu thụ, tuy nhiên một số gia đình lại đầu tư vào khóm son. Bà Lê Thị Đúng (55 tuổi, ngụ ấp 4, xã Thạnh Lợi) cho biết gia đình bà trồng 1 ha khóm son. Loại khóm này tuy ăn không ngon bằng khóm xanh nhưng với đặc trưng là màu đỏ tươi rất đẹp, trái nhỏ, chồi tua tủa nên được nhiều người ưa chuộng, chọn mua chưng mâm ngũ quả trong mấy ngày tết.
Ông Trần Văn Luân (58 tuổi, ngụ xã Thạnh Lợi) cho biết ông đã xử lý cho vườn khóm của gia đình có trên 9.000 trái thu hoạch khoảng 24 tháng chạp để bán tết. Mới đây, một thương lái ở Hà Nội vào tận rẫy đặt mua toàn bộ số khóm trên để chuyển ra miền Bắc tiêu thụ. Nhờ giá khóm luôn ổn định với mức khá cao, năm nay ông Luân thu lãi gần 70 triệu đồng/ha.
Bà Lê Thị Lệ Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Lợi, cho biết ngoài chế biến món ăn, ép nước đóng chai… thì khóm là loại trái cây được nhiều gia đình chọn mua chưng tết. Ước tính trong gần 500 ha khóm của xã có gần 85 ha được người dân xử lý cho ra trái vào dịp tết để bán có giá cao hơn ngày thường. Nhờ đó mà nguồn thu nhập của nông dân tăng lên đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.