Khóc, cười với lũ muộn

03/10/2019 06:32 GMT+7

Lũ về mang đến nguồn phù sa bồi đắp ruộng đồng và nguồn thủy sản dồi dào nuôi sống biết bao gia đình .

Tuy nhiên, nước lũ dâng cao cũng khiến nhiều người ở các tỉnh đầu nguồn vất vả vì ngày đêm canh nước bảo vệ tài sản, vườn cây ăn trái...
Gần 4 ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường dâng cao khiến nhiều nhà vườn tại các địa phương phía nam sông Tiền của tỉnh Đồng Tháp như: Sa Đéc, Lai Vung, Châu Thành phải vất vả bảo vệ vườn cây ăn trái.

Trắng đêm bảo vệ vườn cây, ao cá

Ông Huỳnh Văn Ẩn phờ phạc vì trắng đêm bơm nước bảo vệ 4 công cam sát tỉnh lộ 853B, thuộc xã Phong Hòa, H.Lai Vung. Xem thông tin báo đài biết nước lũ năm nay cao hơn cùng kỳ các năm khoảng 10 - 20 cm nên ông Ẩn cùng nhiều nông dân tại xã Phong Hòa đã chủ động đắp thêm bờ bao, rồi dùng mủ cao su che chắn bên ngoài bờ để hạn chế nước lũ tràn vào gây chết cây, nhưng nước vẫn rò rỉ vào vườn. “Mấy ngày nay gia đình tôi phải canh đắp bờ và chạy máy bơm nước suốt. Mỗi ngày tốn gần 200.000 đồng tiền dầu bơm rút nước, chứ không thôi nước ngập lút vườn là đi tong mấy năm chăm sóc”, ông Ẩn nói.
Khóc, cười với lũ muộn1

Ông Nguyễn Văn Thệ (phải), ngụ xã Thường Thới Hậu B, ngày đêm canh nước lũ bảo vệ ao cá

Tại vùng đầu nguồn Hồng Ngự của Đồng Tháp, nhiều hộ dân cũng đang gồng mình để bảo vệ diện tích hoa màu, ao cá và vật nuôi trong thời gian nước lũ ở mức cao như hiện nay. Ở khu đê bao lửng có diện tích 40 ha thuộc xã Thường Phước 1, H.Hồng Ngự, mặc dù địa phương khuyến cáo không sản xuất vụ 3 nhưng nhiều hộ dân do tiếc đất và chủ quan nghĩ sẽ không có lũ nên đã xuống giống hoa màu, giờ phải ngày đêm bơm nước, be bờ chống ngập. Anh Nguyễn Văn Đoàn nói như khóc: “Tôi thuê 1 ha đất, xuống giống ớt được hơn 1 tháng rồi nhưng bị nước lũ nhấn chìm hết 3 công (3.000 m2). Giờ phải cố gắng giữ số còn lại, lỡ đã theo thì ráng tới đâu hay tới đó. Phải ngày đêm ngoài ruộng để canh nước”.
Ngoài diện tích hoa màu, toàn H.Hồng Ngự có hơn 400 ha ao nuôi cá các loại. Để “bà thủy” không cuốn trôi tài sản, các chủ ao phân công người trực 24/24 canh… nước. Ông Nguyễn Văn Thệ, xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự, đang thả nuôi 180.000 con cá tra giống, lo lắng: “Ao của tôi có diện tích 1 ha, đầu tư hơn 500 triệu vào đó nên phải trực ngày đêm, cực khổ dữ lắm. Dù đã bao lưới nhưng tôi cũng phải phòng hờ lưới cước và cừ tràm sẵn để gia cố thêm. Tiền của đổ vào ao cá hết rồi”.
Nước dâng cao, hàng chục ngàn con trâu, bò, gà, vịt ở Đồng Tháp cũng phải “chạy lũ” lên các gò cao, nguồn cỏ thức ăn cho trâu bò rất khó kiếm. Bà Nguyễn Thị Dồi, xã Thường Lạc, H.Hồng Ngự, nuôi 3 con bò, cho biết: “Nước đã ngập luôn chuồng nên phải đem bò lên lộ đỡ. Nước ngập nên đâu có cỏ cho ăn, lại phải tốn tiền mua rơm làm thức ăn cho nó”.
Khóc, cười với lũ muộn2

Vườn đu đủ của một hộ dân ở xã Thường Thới Tiền, H.Hồng Ngự bị héo chết do ngập nước

Làng nghề mùa lũ hồi sinh

Vất vả bảo vệ tài sản là vậy nhưng nhìn chung với người dân vùng đầu nguồn tại ĐBSCL thì đây là “mùa lũ đẹp” do nước về vừa đủ, không gây hại nhiều. Nước về đã mang đến nguồn sống cho biết bao gia đình, nhiều ngư dân và nhiều làng nghề truyền thống dựa vào lũ để tăng thêm nguồn thu.
Từ lâu H.Lai Vung được biết đến với nhiều làng nghề truyền thống sản xuất ngư cụ cho mùa nước nổi như đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài; đan lưới xã Long Hậu; đan lợp tép xã Hòa Long… Những ngày này, người dân các làng nghề đang rất phấn khởi, tất bật sản xuất ngư cụ phục vụ nhu cầu đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở khắp các tỉnh ĐBSCL.
Sau hơn 1 tháng đìu hiu do lũ không về, làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài, xã Long Hậu, H.Lai Vung hiện đang khởi sắc trở lại. Ông Nguyễn Văn Tốt nói: “Khoảng 1 tháng nay nước nhiều nên làng nghề của mình bán được lắm. Bán chạy nhất là xuồng nhỏ để đi câu lưới nên ai cũng phấn khởi”.
Khóc, cười với lũ muộn3

Lũ dâng cao nên nhà vườn ở xã Phong Hòa (H.Lai Vung) phải be bờ bảo vệ cây ăn trái

ẢNH: TRẦN NGỌC

Người dân làng nghề làm lưới cá và đan lợp tép ở các xã Long Hậu, Hòa Long, H.Lai Vung, cũng hoạt động hết "công suất" vẫn không đủ hàng cung cấp cho thị trường. Bà Thái Thị Tám đã có nhiều năm theo nghề đan lợp tép ở xã Hòa Long cho hay: “Giá lợp dao động từ 7.000 - 13.000 đồng/cái, tương đương với năm rồi nhưng bán rất chạy. Đầu mùa tới giờ tôi bán được hơn 3.000 cái lợp rồi. Có rất nhiều thương lái đến đặt hàng nhưng đan không kịp bán”.
Tương tự, bà Phan Thị Thiệp nhiều năm theo nghề đan lưới cá ở xã Long Hậu, chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi bán từ 5 đến 10 tay lưới. Gia đình tôi phải làm liên tục mới đủ lưới bán. Bán chạy nhất là lưới cá rô và lưới ba màng. Khoảng 2 tháng trước nhiều người thấy không có nước đã nghỉ làm lưới, giờ đã hồi sinh trở lại”.
Các làng nghề mùa lũ chộn rộn bao nhiêu thì cảnh đánh bắt thủy sản ngoài các kênh rạch, đồng ruộng của ngư dân đầu nguồn cũng nhộn nhịp bấy nhiêu. Nếu siêng năng, mỗi ngày người dân vùng lũ có thể kiếm vài triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống nhà nông...
Ngày 1.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Hồng Ngự, cho biết: “Nhìn chung năm nay mực nước không cao lắm nhưng cũng mang đến lượng thủy sản dồi dào cho người dân vùng lũ đánh bắt để tăng thu nhập. Nhiều hộ dân không có ruộng đất thì sản vật mùa lũ là nguồn thu nhập chính, thu nhập mỗi ngày vài trăm ngàn đến hơn 1 triệu đồng. Năm nào nước lũ không về dân địa phương ở đây rất buồn vì mất đi nguồn thu nhập lớn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.