Khó khăn của Deutsche Bank, thất bại của châu Âu

01/10/2016 20:24 GMT+7

Bài viết dưới đây do ban biên tập chuyên mục Bloomberg View thực hiện, là góc nhìn của hãng tin này về tình hình sức khỏe của nhà băng số một ở nền kinh tế mạnh nhất châu Âu.

Chưa đầy một thập kỷ hậu khủng hoảng tài chính, Deutsche Bank lại gặp rắc rối lần nữa và giới đầu tư đang hoài nghi về việc liệu chính phủ Đức có phải đến cứu một trong những tổ chức tài chính lớn nhất thế giới hay không. Điều đáng buồn là lẽ ra tình hình khó khăn này có thể được tránh một cách dễ dàng.
Thời điểm này, Deutsche Bank không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thị trường hay khủng hoảng nợ công bất khả kháng. Thay vào đó, nguyên nhân sâu xa của áp lực đến từ việc Bộ Tư pháp Mỹ đòi nhà băng trả 14 tỉ USD để dàn xếp vụ điều tra về chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp, gấp đôi số tiền mà họ dành ra để trang trải các loại chi phí pháp lý như trên. Những lo ngại về an toàn vốn khiến cổ phiếu trượt xuống mức thấp kỷ lục, còn chính phủ Đức cho biết họ sẽ không giăng mảnh lưới an toàn tài chính nào.
Vụ việc thể hiện châu Âu thất bại trong chuyện học bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng gần nhất: Các nhà băng lớn nhất phải có dư dả nhiều vốn cổ phần hấp thụ lỗ, để ngay cả khi chạm trán khó khăn họ vẫn có bảng cân đối mạnh. Nếu không làm thế, các chính phủ có khả năng phải chọn lựa giữa chuyện giải cứu từ tiền của dân nộp thuế, hoặc đứng nhìn hậu quả khi một trong những tổ chức tài chính quan trọng sụp đổ.
Thay vì dùng những năm sau khủng hoảng để xây dựng bộ đệm vốn chủ sở hữu, các nhà băng châu Âu đưa hàng trăm tỉ EUR cho cổ đông dưới dạng mua lại cổ phiếu và cổ tức. Từ năm 2009 đến 2015, Deutsche Bank chi khoảng 5 tỉ EUR cổ tức, số tiền đáng kể trong 19 tỉ EUR vốn. Ngày nay, đây là một trong những ngân hàng có vốn mỏng nhất ở châu Âu với vốn cổ phần hữu hình chiếm chưa đến 3% tài sản - một lớp mỏng đáng kinh ngạc.
Ngay cả khi Đức thực sự muốn để Deutsche Bank sụp đổ, họ không thể không chịu đe dọa. Tổ chức này được xem là rủi ro nhất châu Âu, với tài sản lên đến hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội thường niên của Đức. Lấy Deutsche Bank làm ví dụ có thể dẫn đến sự lây lan khủng khiếp.
Các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu - nơi giám sát các tổ chức lớn nhất của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu - phải đi qua quá trình tái cơ cấu vốn. Họ phải thực hiện các bài kiểm tra căng thẳng cho thấy quy mô thực sự trong nhu cầu của các ngân hàng, tìm ra tổ chức nào có thể và nên được cho phép sụp đổ, cấp công quỹ để vực dậy những gương mặt còn lại nếu cần. Nếu giới chức làm đủ để truyền niềm tin cho thị trường, các nhà băng khu vực có thể tăng được vốn họ cần từ giới đầu tư tư nhân hệt như cái cách giới ngân hàng Mỹ từng làm năm 2009.
Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu cần các ngân hàng vốn hóa tốt hơn, không chỉ để tránh thảm họa mà còn để giúp chữa lành nền kinh tế yếu kém. Nếu trải nghiệm cận tử của một trong những tổ chức lớn nhất thế giới không thể thúc đẩy giới chức châu Âu hành động, thật khó để nghĩ ra điều gì có thể thúc đẩy họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.