Khi Tổ quốc cần, có doanh nghiệp

14/10/2020 13:21 GMT+7

Luôn được coi là “đội thuyền thúng” dễ bị tổn thương khi gặp các biến cố..., nhưng trong đại dịch Covid-19 , đã có những “chiếc thuyền thúng” chung tay với Chính phủ hỗ trợ bằng vật chất, tinh thần, tìm tòi đủ phương tiện, kế sách chống dịch.

 
Đáng nói hơn, ngay cả những doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch, hoạt động kinh doanh gần như bị “đóng băng” như du lịch, lữ hành, dịch vụ giải trí, ẩm thực… song chính họ, một mặt đương đầu chống dịch, bảo toàn lực lượng lao động, mặt khác sát cánh hỗ trợ Chính phủ chống dịch.

Chỉ trong 3,5 ngày hoàn thành bệnh viện dã chiến

Câu chuyện Trung Quốc đã dựng thành công bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán chỉ trong vòng 1 tuần để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhận được sự thán phục của dư luận. Thế nhưng, tháng 8 vừa qua, một bệnh viện dã chiến với công suất 500 giường do chính người Việt thực hiện thi công trong chỉ 3,5 ngày.

Ý thức của doanh nhân khi đất nước khó khăn

 
Đa số DN đều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đầu năm đến nay do dịch Covid-19 gây ra. Nhưng mỗi DN, mỗi doanh nhân đều ý thức được trách nhiệm của mình cùng với Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19. DN lớn thì đóng góp lớn, DN nhỏ thì đóng góp nhỏ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Hội đã kêu gọi các doanh nhân ủng hộ kinh phí để sản xuất bộ kit phát hiện SARS-CoV-2. Sau 1 ngày kêu gọi, các hội viên đã ủng hộ 5 tỉ đồng, đủ kinh phí sản xuất 10.000 bộ kit. Mỗi hội viên có cách hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần khác nhau hỗ trợ cộng đồng xã hội. Trong môi trường dịch Covid-19, các doanh nhân có tâm thế chịu trách nhiệm hơn với cộng đồng xã hội, thực hiện các chương trình an sinh xã hội cũng như triển khai hàng trăm chương trình hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, giúp đỡ người bị nhiễm chất độc da cam… Dù gặp khó khăn nhưng các DN đoàn kết, đặc biệt cùng nhau ngồi lại để tìm hướng hỗ trợ, kết nối, sử dụng sản phẩm dịch vụ lẫn nhau. Điều này cũng góp phần giúp đầu ra cho hàng hóa dịch vụ của từng DN, tạo ra một khối DN đoàn kết để cùng vượt khó khăn”.
 Ông Đặng Hồng Anh (Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam)

Sau 84 tiếng đồng hồ thi công thần tốc, vượt kế hoạch đến 2,5 ngày, bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) do Tập đoàn Sun Group - tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước - tài trợ và chịu trách nhiệm đã hoàn tất và đưa vào sử dụng vào tháng 8. Đây được xem là bệnh viện dã chiến đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo mô hình lắp modul theo tư vấn thiết kế của Trung tâm tư vấn xây dựng thuộc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng. Hệ thống buồng/giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn… được thiết kế, lắp đặt theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đối với bệnh viện dã chiến. Bệnh viện dã chiến đã được lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1. Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh, bệnh viện sẽ được tăng cường số buồng, giường với quy mô tối đa có thể đáp ứng 700 - 1.000 giường bệnh.
Là DN phát triển du lịch hàng đầu Việt Nam, Sungroup có thể nói là một trong những DN bị thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19. Thế nhưng, để đáp ứng yêu cầu nhanh chóng, cấp thiết của thành phố nhằm đối phó với dịch bệnh đang có chiều hướng ngày càng phức tạp, Tập đoàn Sun Group đã huy động tối đa lực lượng nhân sự, dốc toàn lực tham gia thi công cho bệnh viện dã chiến này.
Với khoảng hơn 500 công nhân thi công trực tiếp, chia ca làm việc 24/24 giờ và hàng trăm cán bộ nhân viên hỗ trợ gián tiếp các khâu: mua sắm, vận chuyển nguyên vật liệu, nấu ăn, dọn dẹp vệ sinh, vận chuyển, lắp đặt thiết bị…, bệnh viện dã chiến đã được hoàn thiện vượt tiến độ dự kiến. Việc triển khai thi công, lắp ghép bệnh viện dù được tiến hành khẩn trương, gấp rút, nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong cả công tác xây dựng và phòng chống dịch bệnh, khi công nhân thi công và nhân viên hậu cần đều được trang bị khẩu trang, liên tục rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 9 tháng của năm 2020 tăng 2,12%, mặc dù đây là mức tăng thấp nhất so với 9 năm trở lại đây nhưng cũng đã tăng trở lại so với quý 2. Trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu. Khu vực dịch vụ trong 9 tháng đạt mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi…
Tương tự, hàng không là lĩnh vực bị ảnh hưởng trầm trọng, nhiều hãng hàng không lớn đối mặt với nguy cơ phá sản. Thế nhưng hàng nghìn chuyến bay được khẩn trương thực hiện, trong đó rất nhiều chuyến bay không tải một chiều đưa người dân Việt Nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… về Việt Nam. Đại diện các hãng hàng không cho biết chi phí bù lỗ cho những chuyến bay này lên tới vài trăm tỉ đồng, cùng với nỗ lực lớn để đảm bảo an toàn bay lẫn phòng chống dịch của phi hành đoàn. Đến tận bây giờ, rất nhiều chuyến bay đã được tiến hành trong tình trạng thế này. Các tập đoàn Hòa Phát, Masan, Thaco... đều cho thấy họ xứng đáng là những DN top đầu của nền kinh tế. Khi đất nước cần, họ sẵn sàng đón nhận trách nhiệm.

Ủng hộ từ bữa ăn, giấc ngủ

Không chỉ với DN lớn, nhiều DN từ nhỏ đến rất nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, đã chủ động cung cấp hàng ngàn suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân trong khu cách ly. Đầu tháng 8, khi thành phố Đà Nẵng thực hiện cách ly 6 quận huyện, căn tin các bệnh viện tạm thời không phục vụ, bệnh nhân và y bác sĩ tại các bệnh viện bị cách ly cũng không được ra ngoài. Nhóm thiện nguyện tại Đà Nẵng, trong đó có nhiều chị là chủ hộ kinh doanh gia đình, đã tổ chức nấu và phát cơm miễn phí cho bệnh nhân ở Bệnh viện Cẩm Lệ, miệt mài cho đến ngày hết cách ly.
Tại TP.HCM, khi Saigon Co.op được giao cung cấp suất ăn cho khu vực cách ly, nhiều mạnh thường quân là các công ty thực phẩm nhỏ cũng cung cấp hàng ngàn suất ăn miễn phí như Công ty TNHH MTV suất ăn công nghiệp Tú Anh, Công ty TNHH thực phẩm Hiraki; nhà cung cấp rau củ quả sạch Đà Lạt Thảo Nguyên và Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Thông minh cũng cung cấp miễn phí thường xuyên các loại rau sạch để nấu cơm phục vụ các khu cách ly.
Xúc động hơn, doanh nhân truyền cảm hứng Nguyễn Thị Vân, người từng nhận giải thưởng Sao Đỏ danh dự - người đứng đầu Trung tâm nghị lực sống, nơi từng ươm mầm khát vọng cho những người khuyết tật, cũng đã ủng hộ 50 triệu đồng với mong muốn thật giản dị: Làm được điều gì tốt hơn cho cộng đồng thì làm.
Trong công tác phòng chống dịch, đội ngũ bác sĩ là lực lượng trên tuyến đầu, đội ngũ bác sĩ, y tá đã không ngại vất vả và rủi ro ngày đêm trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân và để tiếp sức cho họ, hàng loạt DN đã đến tận tuyến đầu. Như Công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công (TTC Hospitality - thành viên Tập đoàn TTC) phối hợp cùng Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dành riêng 1 khách sạn cho đội ngũ y tế lưu trú.
Trước đó, TTC Hospitality đã có cuộc họp với Sở Y tế TP.HCM và sau khi được Sở xem xét, kiểm tra cơ sở vật chất, thì thống nhất dùng một trong những khách sạn của TTC Hospitality để làm điểm nghỉ ngơi cho các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sau khi tan ca. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho gia đình và người thân của đội ngũ y bác sĩ, góp phần hạn chế rủi ro sau quá trình khám chữa bệnh các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Còn Ngân hàng Phương Đông OCB hỗ trợ chi phí lưu trú, ăn uống, và các loại dịch vụ khác cho đội ngũ y bác sĩ tại khách sạn TTC.

Những “người lính thời bình” đáng được vinh danh

PGS-TS Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự xúc động khi liên tưởng sự đồng hành của các doanh nhân, DN với Chính phủ trong phòng chống đại dịch Covid-19 trong thời gian qua như “những người lính thời bình”: Thầm lặng, cương quyết và cực kỳ hiệu quả.
Ông nói: Trong đại dịch, mỗi một ngành nghề đều có cái khó riêng của họ, nhưng tấm lòng chung là mong muốn được góp chút sức mình cùng Chính phủ để vượt qua đại nạn Covid-19 của nhân loại. Đặc biệt, các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch gần như không có nguồn thu liên tục mấy tháng, DN sản xuất lại bị ngưng sản xuất vì không có nguyên phụ liệu, hoặc có nguyên liệu nhưng hàng sản xuất ra lại không ai mua do cả thế giới đang đối diện đại dịch “trăm năm” có một lần. Thế nên, một mặt họ nỗ lực duy trì sản suất để công nhân có việc làm, một mặt đồng hành cùng Chính phủ, góp của, góp công và kể cả đưa ra những ý tưởng, sáng kiến cùng cả nước chống dịch. Tôi biết có DN tặng hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang chất lượng cao cho các nước qua đại sứ quán, với triết lý rất giản dị, rằng người Việt dù sao chủ động sản xuất và dùng khẩu trang cũng hơn nhiều nước phương Tây, nơi thị trường khẩu trang dường như không tồn tại trước đây. Trước mắt tặng để họ chống dịch đã. Những hành động đẹp đó đã khiến các quốc gia nhận quà cũng cảm kích.

Đánh giá cao tinh thần của doanh nhân

Hoạt động của DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch nhưng họ vẫn cố gắng hỗ trợ cộng đồng xã hội, chung tay góp sức cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần tự nguyện. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, các DN không những vừa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn cùng Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch. Ngoài hỗ trợ về tiền, bỏ ra nhiều chi phí để mời bác sĩ tuyên truyền các hoạt động phòng chống dịch đến từng cán bộ công nhân viên, hay mua sắm nước rửa tay, phát khẩu trang... cũng là những hoạt động thiết thực có ý nghĩa đối với cộng đồng. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chương trình tuyên dương, ghi nhận những đóng góp DN, doanh nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trí Hiếu (Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa)
TS Nguyễn Đức Thái, Chuyên gia sinh học, nhận xét: “Tôi có mấy mươi năm sống và làm việc ở Mỹ, về hưu mới về quê hương. Các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ cũng đồng hành với chính phủ Mỹ rất nhiều khi gặp đại dịch, tuy nhiên, họ hỗ trợ trong tâm thế của “nhà giàu” thậm chí cực giàu. Chúng ta tuy nghèo hơn nhưng tinh thần, sự nỗ lực, trách nhiệm với cộng đồng không hề thua kém. Tôi nghĩ có rất nhiều tên tuổi, ngành đáng được vinh danh vì tinh thần quả cảm chống dịch, trong đó có cộng đồng những doanh nhân đã xả thân vì Tổ quốc”.
PGS-TS Đinh Xuân Thảo nhận xét thêm rằng đa số DN với sự lãnh đạo quyết đoán của những “người lính thời bình” đã chủ động tìm đến Mặt trận Tổ quốc các địa phương để hỗ trợ. Họ làm không vụ lợi, không tính toán, bởi nếu tính toán thì mất cả chì lẫn chài, vì bệnh viện dã chiến sau đại dịch thì chỉ là kho sắt vụn, việc trưng dụng phần nào đó, không phải tất cả. Những việc làm của họ có tính lan tỏa tính thiện lương trong xã hội rất lớn. Từ cụ già ngồi còng lưng may khẩu trang, đến em bé đập ống heo để mua khẩu trang tặng người dân cùng dịch bệnh, tất cả nhờ tính lan tỏa của những tấm lòng thiện lương, trung trinh với quốc gia làm đầu.
“Với ý thức phòng chống dịch tốt của người dân, sự sát cách đáng trân trọng của các doanh nhân, ngay trong những ngày cả nước như “sôi” lên vì những con số ca nhiễm mới tăng mỗi ngày ở Đà Nẵng và một vài địa phương, kể cả số người bị mất, song tôi vẫn hy vọng tin tích cực đến với Việt Nam và quả thật mọi cái đang diễn tiến như vậy”, PGS-TS Đinh Xuân Thảo bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.