Khi các 'trụ đỡ' kinh tế không chủ quan

Chí Hiếu
Chí Hiếu
31/03/2018 07:22 GMT+7

Mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước gần như sẽ không còn được duy trì trong năm 2018, cho nên tuyệt đối không lơ là, chủ quan dù kết quả 3 tháng đầu năm là rất ấn tượng.

Đó là quan điểm nhận được nhiều sẻ chia tại hội nghị “thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế” của Chính phủ, được tổ chức hôm qua (30.3) dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Trình bày báo cáo 2 kịch bản tăng trưởng trước hội nghị, tân Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Lê Quang Mạnh cho biết, phương án 1 tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức cao (6,7%) theo nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ. Trong đó nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,05%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,65%; dịch vụ tăng 7,39%.
Trong khi đó, kịch bản 2 là tăng trưởng GDP năm 2018 ở mức 6,8% bám sát theo kịch bản 1 (6,7%), chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khá tốt. Theo ông Mạnh, Bộ KH-ĐT xây dựng thêm kịch bản tăng trưởng cao hơn (6,8%) với ý nghĩa để so sánh và cũng định hướng mục tiêu phấn đấu của các ngành, các cấp. Qua so sánh giữa các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 với kết quả tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 theo từng quý và lũy kế quý 1, 6 tháng, 9 tháng, Bộ KH-ĐT cho rằng mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018.
“Việc kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng. Thậm chí có thể có tâm lý hoài nghi về kết quả thống kê”, ông Mạnh cảnh báo.
Không ít rào cản
Dù kết quả trong quý 1 ấn tượng ở hầu hết các lĩnh vực, song tại hội nghị, đại diện của các ngành, sản phẩm được coi là động lực chính đã bày tỏ nhiều âu lo. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep), cho hay tăng trưởng xuất khẩu của ngành này năm ngoái 17,9% với mốc 8,3 tỉ USD. Năm nay dự kiến mức tăng trưởng còn cao hơn, với 20% và đạt con số 10 tỉ USD. “Tuy nhiên, một số thị trường lớn, tăng trưởng nhanh bắt đầu có vấn đề”, ông Nam lo ngại và dẫn chứng: xuất khẩu cá tra vào Trung Quốc trong tháng 1 tăng hơn 143% nhưng có tới 44% sản lượng là qua đường tiểu ngạch, giá bán thấp hơn. Đáng ngại là họ mua cá kém chất lượng, thậm chí cả cá chết nên thị trường này bắt đầu có những thông tin nói xấu cá tra VN”, ông Nam cho biết; đồng thời kiến nghị các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát như với hàng chính ngạch nhằm giữ uy tín, tránh thiệt hại.
Tương tự là câu chuyện của dệt may, một ngành hàng có giá trị xuất khẩu lên đến trên 30 tỉ USD trong năm ngoái. Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN, thông tin nhiều cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ đang tập trung hỗ trợ dệt may trong nước để có tính cạnh tranh hơn nữa. Còn Pakistan thì đã xếp VN vào diện “đối thủ đáng gờm”. “Thế nhưng ở trong nước thì nhiều địa phương đang tỏ ra ngán, từ chối các dự án dệt may vì tâm lý lâu nay là e ngại ô nhiễm môi trường”, ông Cẩm nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty Samsung VN cũng bày tỏ lo ngại rằng năm 2018 là năm thị trường điện thoại di động - sản phẩm xuất khẩu chủ lực đang có xu hướng chững lại do xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách cho lao động được làm thêm giờ để giảm gánh nặng chi phí nhân công cũng như duy trì sức cạnh tranh của thị trường lao động. Dù vậy, đại diện Samsung VN hy vọng mức tăng trưởng xuất khẩu sẽ giữ được con số 7 - 10% so với năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.