Khai thác 'mỏ vàng' kiến thức của doanh nghiệp

02/10/2019 06:32 GMT+7

Chưa đầy 1 tháng triển khai, cuộc vận động doanh nhân hiến kế chính sách đã nhận được những ý kiến đầu tiên tâm huyết, có trách nhiệm, đặc biệt từ khu vực kinh tế tư nhân về thể chế, vai trò và “sứ mệnh” của mình.

Doanh nghiệp vẫn sợ nhất thủ tục đầu tư

Cuộc vận động “DN, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” lần đầu tiên được Đảng và Nhà nước tổ chức với quy mô lớn và rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ mọi khu vực DN với tinh thần xóa bỏ mọi rào cản bất hợp lý trong phát triển sản xuất kinh doanh và lấy DN là mục tiêu, trung tâm của các cơ chế, chính sách. Cuộc vận động do Ban Kinh tế T.Ư chủ trì. Thời gian tiếp nhận góp ý, đề xuất diễn ra từ ngày 3.9 - 31.12.2019.

Sau gần 1 tháng phát động, hiện đã có hàng loạt DN chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để tham gia cuộc vận động.
Để có được một hãng bay, Tập đoàn FLC phải trải qua không ít quy trình, thủ tục. Song, theo Tổng giám đốc Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung, kết quả đó tất cả bắt đầu từ sự mở đường của chủ trương, của Nghị quyết T.Ư 10. “Doanh nghiệp (DN) tư nhân đã có một môi trường cởi mở hơn để tham gia mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thị trường, đặc biệt ở nhiều lĩnh vực mà trước đây chỉ có DN nhà nước (DNNN) hoặc những DN có vốn đầu tư nước ngoài tham gia. Chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể tham gia vào những dự án quy mô, phức tạp, góp phần phát triển đất nước”, bà Dung chia sẻ.
Tuy nhiên, dù Nghị quyết T.Ư 10 đã thay đổi nhận thức đối với vai trò của kinh tế tư nhân nhưng thực tế vẫn còn sự bất bình đẳng. “Khi DN tư nhân làm ăn thua lỗ, sẽ lập tức phá sản, trong khi DNNN sẽ được tái cơ cấu, giãn nợ... Điều đó khiến nợ công ngày càng tăng cao. Hay về cơ chế, chính sách với DN tư nhân cũng chưa được đảm bảo sự công bằng nếu so với DNNN. DN tư nhân khó khăn hơn rất nhiều trong việc tiếp cận các nguồn lực như vốn, đất đai”, Tổng giám đốc FLC nói thêm.
Từng tham gia nhiều diễn đàn nhưng theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, tính hiệu quả của việc góp ý ở nhiều lần trước đây không được như mong muốn. Với cuộc vận động lần này, theo ông Đoàn, quan trọng là khai thác "mỏ vàng" kiến thức của DN như thế nào? Bên cạnh những ý kiến chung, nếu có thể đóng góp ý kiến theo mảng ngành nghề sẽ cụ thể hơn, thiết thực hơn.
“Với Tập đoàn Phú Thái, hoạt động chính trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, đầu tư, chúng tôi thấy rằng thủ tục đầu tư là vấn đề mấu chốt. Đơn cử như cung cấp mặt bằng xây dựng trung tâm phân phối bán lẻ. Theo quy định, các tỉnh yêu cầu phải đấu thầu. Như vậy các DN phân phối bán lẻ phải dồn rất nhiều nguồn lực để mua đất. Đây là một trong những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển mạng lưới của các DN bán lẻ VN”, ông Đoàn nói. Do vậy, nếu được cởi trói bởi sự thông thoáng của chính sách hoặc có chính sách được xây dựng trên cơ sở các DN ngành nghề đó đề xuất trong từng giai đoạn mà Chính phủ có thể giải quyết kịp thời thì sức bật của DN sẽ rất tốt.

Cần sự thông thoáng và luật lệ minh bạch

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, nhận thấy đã có những thay đổi mang tính bước ngoặt về việc mở cửa cho DN tư nhân được làm tất cả những gì luật không cấm, động lực quan trọng phát triển kinh tế...
“Nhưng thế vẫn chưa đủ để khối này bứt phá, vẫn có giới hạn cho khu vực này. Một bên DNNN là lực lượng vật chất then chốt, chủ đạo, một bên chỉ là thúc đẩy để thành một động lực quan trọng. Trên thực tế khu vực tư nhân vẫn chưa cảm nhận được sự an toàn vì hệ thống pháp luật của chúng ta chưa rõ ràng, cụ thể, đặc biệt tạo cho quan chức từ trung ương đến địa phương có quyền rất lớn để can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN”, ông Cung lo lắng.
Rủi ro này theo TS Nguyễn Đình Cung là rất lớn, khiến DN tư nhân không thể yên tâm và họ lo ngại càng đầu tư lớn càng khó kiểm soát. Từ đó hình thành nên sự ứng xử của DN tư nhân là để DN mình cứ nhỏ dần hoặc không lớn lên nữa.
Ông Bùi Tất Thắng, thành viên thường trực Tiểu ban Kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội XIII của Đảng (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH-ĐT), cho biết mục tiêu đến năm 2020 VN có 1 triệu DN tư nhân, năm 2030 tăng lên 2 triệu. Do đó, trách nhiệm của nhà nước phải nâng đỡ những DN có tiềm năng lớn mạnh, hoạt động đúng pháp luật, có trách nhiệm với xã hội. “Để một quốc gia thịnh vượng thì không có cách nào khác phải cổ vũ và hình thành một đội ngũ doanh nhân VN đủ bản lĩnh, trí tuệ và năng lực. Ở giai đoạn vừa qua, tôi thấy rằng cộng đồng DN đã rất khởi sắc. Ngoài sự cổ vũ của nhà nước, DN được hỗ trợ bởi bối cảnh quốc tế thuận lợi, đó là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Thắng kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.