Khách sạn giảm giá phòng, giảm giá sang nhượng

29/08/2020 06:20 GMT+7

Vắng bóng khách quốc tế, du lịch nội địa cũng đóng băng vì dịch bệnh Covid -19, hàng loạt chuỗi khách sạn từ lớn đến nhỏ phải giảm giá “kịch sàn” hoặc đóng cửa, sang tên.

Khách sạn 5 sao, giá 1 sao

Vào trang Agoda đặt một phòng khách sạn cho chuyến công tác 2 ngày 1 đêm tại Hà Nội, chị Hoàng Oanh (ngụ Q.4, TP.HCM) bất ngờ vì giá rẻ chưa từng có. Giá cho 1 phòng 2 người tại khách sạn 5 sao Hanoi Daewoo Hotel tại Q.Ba Đình chỉ còn 1,316 triệu đồng/đêm, giảm 83% so với mức giá bình thường (gần 8 triệu đồng/đêm). Cũng nằm trong danh sách các khách sạn 5 sao giảm giá “sốc”, InterContinental Hồ Tây Hà Nội (Q.Tây Hồ) báo giá gần 2,1 triệu đồng/đêm cho phòng 2 người, giảm 69% so với thường ngày; GranVistar (Q.Ba Đình) giảm 80%, từ hơn 7,1 triệu đồng/phòng/đêm xuống còn gần 1,5 triệu đồng. Một phòng cùng loại tại Movenpick Hotel (Q.Hoàn Kiếm) giảm chỉ còn chưa tới 1 triệu đồng/đêm... Sau một vòng khảo sát giá, chị Hoàng Oanh chọn đặt 1 phòng cho 2 người tại khách sạn du Parc (Q.Hai Bà Trưng) với giá chỉ 1,4 triệu đồng, giảm khoảng 70% so với mức niêm yết gần 5 triệu đồng/đêm.
Tại buổi ra mắt dịch vụ mới “Đại diện chủ sở hữu khách sạn” (Hotel Owners Representative - HOR) mới đây, chuyên gia Mauro Gasparotti, Công ty Savills cho hay rằng, thông tin ồ ạt cắt lỗ tài sản khách sạn chỉ diễn ra ở phân khúc khách sạn 2 - 3 sao, khách sạn gia đình nhỏ lẻ, còn những khách sạn cao cấp 4 - 5 sao đa phần sở hữu bởi các chủ đầu tư, nhà đầu tư lớn có tiềm năng tài chính từ các ngành nghề kinh doanh khá tốt nên vẫn cầm cự được.
“Chưa bao giờ tôi thấy giá khách sạn rẻ như bây giờ. Khách sạn 5 sao ngay trung tâm TP, có buffer ăn sáng, có hồ bơi... đủ dịch vụ mà giá chỉ hơn 1 triệu đồng/đêm. Tôi đặt thuê thêm 2 giờ đồng hồ so với giờ trả phòng ban đầu mà cũng được miễn phí luôn. Mùa dịch nhưng mọi dịch vụ vẫn được phục vụ chu đáo, nhanh chóng. Khách ít, mỗi lần ra vào là nhân viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay sát khuẩn, rất an toàn. Chưa kể vé máy bay giờ cũng rẻ, 1 vé khứ hồi TP.HCM - Hà Nội mua gấp chỉ hơn 2 triệu đồng. Nếu có thời gian thì đi du lịch mùa này là sướng nhất”, chị chia sẻ.
Tương tự, tại TP.HCM, loạt khách sạn 5 sao quanh khu vực Q.1 cũng báo giá phòng giảm khoảng 60 - 80%. Đơn cử trên trang Agoda, giá 1 phòng đôi tại khách sạn New World (đường Lê Lai, Q.1) giảm 68% còn khoảng 2,1 triệu đồng, trong khi bình thường giá gần 7 triệu đồng. Phòng cho gia đình 2 người lớn, 1 trẻ em giảm 41% còn gần 3,4 triệu đồng. Nằm ngay vị trí “vàng” đối diện UBND TP, Rex Hotel là một trong những khách sạn đắt đỏ nhất tại TP.HCM nay cũng giảm giá mạnh. Phòng cho cả gia đình tại khách sạn này giảm từ 7 triệu đồng/đêm xuống chỉ còn hơn 2 triệu đồng/đêm. Khách sạn Nikko báo còn 4 phòng giảm giá 71%, còn 1,8 triệu đồng/đêm.
Thanh Thanh, nhân viên lễ tân tại khách sạn Sheraton, cho biết chưa bao giờ hệ thống khách sạn này có nhiều chương trình giảm giá khuyến mãi hấp dẫn như hiện nay. Tuy vậy, số lượng khách vẫn rất ít, chỉ đạt khoảng 20% so với bình thường. Thú vị ở chỗ rất nhiều khách là người dân tại TP tận dụng thời điểm giá giảm mạnh này để đặt phòng đưa gia đình đến nghỉ ngơi ngày cuối tuần.
“Thứ sáu tuần trước, đúng ca em trực thì thấy nhà cô chú hàng xóm (Q.Bình Thạnh) dẫn đứa cháu ngoại vào thuê phòng. Cô chú bảo ở TP nhưng chưa bao giờ bước chân vào mấy khách sạn lớn thế này. Cuối tuần đó ba mẹ thằng nhỏ đi công tác, gửi thằng cháu ngoại ở đó 2 ngày, đúng lúc lên mạng thấy mấy người mách nhau giá khách sạn giảm kịch sàn nên nghĩ ra thuê phòng cho ông bà với cháu đến nghỉ khách sạn 5 sao thử một lần cho biết. Tính ra 1 đêm có gần 2 triệu đồng, có ăn sáng buffet ngon lành, thằng bé còn có hồ bơi vui chơi, quá rẻ. Đợt dịch thứ 2 này nhiều gia đình cũng chọn thuê phòng ở thử như vậy”, Thanh kể.

“Sale” luôn khách sạn

Dù đã giảm giá “kịch khung” nhưng thị trường đóng băng, doanh thu quá ít, thậm chí không có khiến rất nhiều khách sạn không thể cầm cự, phải rao bán gấp. Tìm kiếm trên Google với từ khóa “rao bán khách sạn tại TP.HCM” sẽ nhận về hàng trăm kết quả tương ứng với hàng trăm khách sạn đang có nhu cầu chuyển nhượng. Hầu hết thông tin đều thuộc nhóm khách sạn 1 - 3 sao, giá dao động từ vài chục tỉ đồng đến khoảng 200 tỉ đồng tùy vị trí và quy mô khách sạn.
Đơn cử, khách sạn MT được giới thiệu là khách sạn VIP 3 sao, mặt tiền đường Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, diện tích 70 m2, gồm 1 tầng hầm và 7 lầu, 20 phòng, được rao bán với giá 20,2 tỉ đồng còn thương lượng; hợp đồng thuê 80 triệu đồng/tháng. Có diện tích lớn gấp 3 lần - 215 m2, số lượng phòng tương đương nhưng vị trí đặt tại đường Hữu Nghị, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức nên 1 khách sạn đăng tin cần bán gấp giá cũng chỉ 23,5 tỉ đồng. Trong khi đó, 1 khách sạn khác nằm trên đường Bùi Thị Xuân (Q.1) diện tích 290 m2, quy mô 120 phòng, đăng bán giá 160 tỉ đồng. Tuy số lượng hiếm hơn nhưng cũng xuất hiện thông tin của một vài khách sạn 4 - 5 sao vị trí ngay trung tâm TP rao bán giá khoảng 600 - 800 tỉ đồng. Hầu hết các khách sạn đều cam kết thu nhập từ 80 - 200 triệu đồng/tháng.
Trong vai khách hàng có nhu cầu đầu tư khách sạn, chúng tôi liên hệ với anh T. thông qua một trang rao bán bất động sản. Anh T. nhận là “cò” giới thiệu bán 1 khách sạn 5 sao 2 mặt tiền, đường lớn trung tâm Q.1, ngay gần chợ Bến Thành. Với quy mô gần 300 phòng ngủ, 2 phòng họp có thể tổ chức sự kiện, hồ bơi, nhà đa năng đầy đủ dịch vụ..., khách sạn này được rao bán với giá gần 3.500 tỉ đồng.
“Chủ khách sạn là người Việt, nhưng từ đợt dịch Covid-19 đang “mắc kẹt” bên nước ngoài chưa về được nên giao cho bên em bán hộ. Chắc cũng vay nợ ngân hàng, đầu tư nhiều chỗ, giờ gánh lãi không nổi nên muốn nhượng lại. Thông tin đăng cả tháng trời mà chỉ được vài người liên hệ nhưng cũng chủ yếu là tham khảo thị trường chứ chẳng ai có nhu cầu thực. Du lịch từ đầu năm đến giờ ế ẩm, có làm ăn được gì đâu, loạt khách sạn đóng cửa còn chưa mở lại được, chắc cũng ít ai dám mạo hiểm đổ cả nghìn tỉ vào đây. Chúng em nhận nhiều mặt bằng khách sạn rao bán lắm nhưng hầu hết đều “móm”, không ăn thua”, anh T. thật thà trò chuyện.

Lữ hành chọn tour ngắn ngày, khách sạn lo ngay ngáy

Sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, hàng loạt nhà hàng, khách sạn trên cả nước đã phải đóng cửa cài then, ngưng hoạt động. Chưa kịp mở cửa trở lại, cú đánh bồi của Covid-19 lần thứ hai như một đòn chí mạng đẩy hầu hết hệ thống khách sạn rơi vào cơn nguy kịch.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, cho biết tác động của đợt dịch thứ hai “kinh hoàng” hơn rất nhiều so với đợt dịch thứ nhất và tâm lý khách hàng cũng đã thay đổi rất nhiều. Cụ thể, kết thúc đợt dịch bùng phát hồi đầu năm trùng khớp với thời gian học sinh, sinh viên được nghỉ hè, đúng mùa cao điểm du lịch nên thị trường vực dậy rất nhanh. Khách hàng có tâm lý chọn những điểm đến an toàn, thấy tour giá rẻ là sẵn sàng “lên đường”, do đó các dịch vụ giảm giá kích cầu rất hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay, vé máy bay rẻ, khách sạn rẻ, dịch vụ rẻ nhưng mọi người cũng hạn chế tối đa đi du lịch. Ngành du lịch gần như “bất động”.
Sau khoảng 1 tháng dịch bệnh căng thẳng “chạm đỉnh”, đến nay, TST Tourist đã bắt đầu nhận được sự quan tâm của một số khách hỏi những tuyến đi gần, không đi nhiều người. Thời gian khởi hành chủ yếu rơi vào cuối tháng 9, sang tháng 10, còn dịp lễ 2.9 coi như “hết hy vọng”.
“Do đặc điểm nhu cầu khách và bản thân các công ty tour cũng ưu tiên những điểm đến gần, tour ngắn ngày nên rất hạn chế sử dụng khách sạn. Chưa kể đợt dịch thứ hai này tác động ghê gớm hơn rất nhiều so với đợt 1, tính sai thì lượng tiền cọc càng ảnh hưởng nặng nề nên các công ty sẽ phải thận trọng, tính toán từng bước theo chuyển động của thị trường và tình hình kiểm soát dịch bệnh. Do đó, lữ hành nguy cơ phá sản nhiều, khách sạn còn sụp đổ nhiều hơn”, ông Mẫn nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.