Kéo vùng 'phên giậu' của đất nước phát triển

16/12/2019 05:36 GMT+7

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết, 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã có những diện mạo mới.

Chỉ có những tư duy sáng tạo, chính sách đột phá tổng thể; hành động với tinh thần quyết tâm, dám chịu trách nhiệm... mới có thể đưa 14 tỉnh trung du, miền núi phía bắc - vùng “phên giậu” của Tổ quốc vươn lên, tránh tụt hậu lại phía sau.

Vẫn là “vùng trũng” nghèo nhất nước

Cuối tuần qua, Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Thái Nguyên.
Hội thảo quy tụ hàng trăm lãnh đạo, chuyên gia khắp các tỉnh, thành cùng đóng góp, hiến kế để củng cố các cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến 2020.
Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho biết, 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đã có những diện mạo mới. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt mức gần 10%; thu nhập, tính theo GRDP bình quân đầu người, đạt 43,6 triệu đồng/người vào năm 2018, gấp gần 9,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại. Đến năm 2018, công nghiệp, xây dựng chiếm 40,43%; dịch vụ chiếm 35,86%; nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 18,6%; thuế và trợ cấp sản phẩm chiếm 5,11%...
Tuy nhiên, đây vẫn là “vùng trũng” với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước, tăng trưởng và mức sống, thu nhập của người dân cũng thấp nhất. Những hạn chế trên theo ông Bình, về khách quan do địa hình đồi núi chia cắt, hạ tầng chưa phát triển một cách đồng bộ nên kinh tế bị xé lẻ, phân mảnh, thiếu liên kết…
Song phía chủ quan mới thực sự cần phải đặc biệt lưu tâm khi tư duy về phát triển vùng còn rất chậm đổi mới, thiếu đi chính sách đột phá đặc thù. Bản thân các tỉnh, thành chưa chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng đi mới thu hút đầu tư.
Ông Bình đặt ra “đề bài” cho các chuyên gia thảo luận, đề xuất làm sao đưa ra được các chương trình, dự án theo lợi thế của từng tỉnh nhưng phải đặt trong một bài toán tổng thể cả vùng. Đề xuất phát triển kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng vùng sẽ như thế nào? Công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội sẽ cải thiện ra sao? Thực hiện liên kết vùng? Vấn đề phát triển văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh?
PGS-TS Phạm Trung Lương, Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam, đề xuất phát triển du lịch tại vùng này chứ không nên định hướng chạy theo chủ yếu công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, phát triển du lịch phải gắn với đặc thù từng địa phương và liên kết chặt chẽ với nhau chứ không nên theo kiểu “tỉnh nào cũng mũi nhọn”, phát triển nóng theo số lượng dễ dẫn tới áp lực về môi trường sinh thái như Sa Pa...
TS Trần Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng từng vị bí thư, chủ tịch tỉnh phải phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm bởi một số tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai... thời gian với việc đột phá đã và đang bứt lên, trong khi các tỉnh còn lại vẫn còn khá ì ạch. “Tôi thiên về phát huy sáng kiến, sáng tạo tính chủ động của địa phương, điểm đó cần nhấn mạnh. Cho tiền cũng rất quan trọng nhưng trước hết tạo ra cơ chế, thể chế để buộc bí thư, chủ tịch phải năng động, sáng tạo luôn suy nghĩ tìm cách làm mới”, ông Cung đề xuất.

Tập trung vào nông nghiệp và dịch vụ

Trước ý kiến của nhiều chuyên gia, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37, nhấn mạnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, được sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ tích cực của T.Ư; sự chủ động, sáng tạo, cố gắng vươn lên của hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc các địa phương trong vùng, nghị quyết đã đi vào cuộc sống với hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết cơ bản đã được hoàn thành; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đạt nhiều thành tựu đáng kể, tạo ra một diện mạo mới cho các địa phương trong vùng (gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình).
“Thời gian tới, vùng trung du và miền núi Bắc bộ có nhiều cơ hội, thuận lợi để phát triển nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới nên cần thay đổi suy nghĩ phát triển không phải chỉ cho vùng mà phải đặt trong tổng thể cả nước, trong liên kết với hành lang Đông Tây và hành lang Bắc Nam, giữa vùng với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải Bắc bộ”, ông Bình lưu ý.
Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, do điều kiện tự nhiên và khó khăn về nguồn nhân lực nên cần cân nhắc chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và xây dựng ở mức vừa phải, thay vào đó tập trung chuyển dịch theo hướng dịch vụ và nông nghiệp. Ngoài ra, với vai trò quan trọng của vùng trong đảm bảo môi trường sinh thái cho cả miền Bắc, ông Bình đề nghị phải phát triển bền vững trong đó đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ rừng, coi đây vừa là kế sinh nhai, thoát nghèo và bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Ảnh: Việt Anh

Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình (ảnh) nhấn mạnh: “Do những đặc thù khó khăn cùng với vị trí, vai trò quan trọng, phải có tầm nhìn để ưu tiên nguồn lực ngân sách T.Ư đầu tư cho vùng trung du và miền núi Bắc bộ. Việc đầu tư cần trọng tâm trọng điểm, ưu tiên các dự án có tính liên kết lan tỏa và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích và thu hút được đầu tư của xã hội, tạo nguồn lực phát triển cho vùng. Đặc biệt quan tâm đảm bảo an ninh quốc phòng gắn với vấn đề tôn giáo và dân tộc”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.