Ít có khả năng Trung Quốc bị gán mác 'nước thao túng tiền tệ'

06/04/2017 21:42 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump ít có khả năng gán mác Đại lục là nước thao túng tiền tệ trong vài tuần tới, thời gian sau khi gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên.

Theo Reuters, giới chuyên gia về chính sách ngoại hối nhận định lời “tuyên chiến” với tiền tệ Trung Quốc được đưa ra trong chiến dịch tranh cử sẽ không được thực hiện, ít nhất là ở thời điểm này.
Kho bạc Mỹ sẽ phải thay đổi triệt để định nghĩa về thao túng tiền tệ để có thể đưa Trung Quốc vào danh sách này trong báo cáo kế tiếp công bố vào ngày 14.4. Trong số các chuyên gia đưa ra nhận định này, có những người từng tham gia phân tích hoạt động ngoại hối trong quá khứ của Kho bạc Mỹ.
Dù vậy dần dà, chính quyền ông Trump có thể xem xét thay đổi định nghĩa tiền tệ của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama vì Kho bạc thay đổi nhân sự. David Dollar, cựu quan chức kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ ở Trung Quốc, cho hay: “Khó mà đưa ra được tiêu chuẩn đáng tin cậy để gán mác Trung Quốc là thao túng tiền tệ”. Tổng thống Mỹ từng cam kết gán mác Bắc Kinh trong ngày đầu làm tổng thống, song đến nay vẫn chưa hành động.
Luật thương mại và hải quan được Mỹ ban hành vào năm ngoái đưa ra ba tiêu chí để xác định việc thao túng tiền tệ giữa các đối tác thương mại chính: thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu “vật chất”, thặng dư thương mại song phương “đáng kể” và sự can thiệp một chiều liên tiếp vào thị trường ngoại hối.
Kho bạc được yêu cầu đàm phán đặc biệt với bất kỳ nước nào có đủ ba yếu tố trên nhằm điều chỉnh loại tiền tệ bị định giá thấp, với nhiều hình thức phạt như bỏ hợp đồng mua bán hiện có từ chính phủ Mỹ trong vòng một năm.
Theo bộ tiêu chí hiện thời vốn được thiết lập từ thời Tổng thống Obama, Trung Quốc chỉ vướng một yếu tố là thặng dư thương mại hàng hóa 347 tỉ USD với Mỹ. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong một năm qua chi hơn 1.000 tỉ USD để thúc đẩy giá trị nhân dân tệ chứ không phải là kiềm chế giá trị của nó. Thặng dư tài khoản vãng lai của Đại lục, chỉ số thể hiện cán cân thương mại toàn cầu của nước này thấp hơn nhiều so với ngưỡng bị Mỹ cho là có vấn đề.
Kho bạc Mỹ cách đây không lâu cho hay hiện còn quá sớm để bình luận về kết quả đánh giá tiền tệ, còn Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin nói rằng Bộ sẽ thực hiện quá trình đánh giá theo những gì từng làm trong quá khứ. Điều này cho thấy báo cáo tiếp theo sẽ không thực hiện nhiều thay đổi cơ bản.
Song giữa lúc chính quyền ông Trump đang thúc đẩy chương trình nghị sự thương mại đặt mục tiêu giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, đặc biệt là với Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ sẽ xem xét các thay đổi nhằm ngăn chặn những nước thao túng tiền tệ trong tương lai.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu như một năm kể từ thời điểm này, các tiêu chí dưới thời Tổng thống Obama vẫn còn hiệu lực”, học giả kiêm chuyên gia thương mại Trung Quốc Derek Scissors tại American Enterprise Institute nhận định.
Theo giới chuyên gia, lựa chọn hợp lý nhất là kéo dài khoảng thời gian xem xét các hoạt động can thiệp thị trường từ 12 tháng đến vài năm. Việc này sẽ giúp Mỹ ghi nhận thêm nhiều hoạt động can thiệp thị trường từ Trung Quốc. Song xem xét như trên, các nước và vùng lãnh thổ khác như Hàn Quốc, Đài Loan cũng có thể bị liên lụy.

tin liên quan

Trung Quốc phủ nhận chính sách thao túng tiền tệ
Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang vừa nói hôm 31.3 rằng Trung Quốc không có chính sách phá giá nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, giữa lúc Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.