Iran đón thỏa thuận nước ngoài đầu tiên ngành dầu khí sau lệnh trừng phạt

08/11/2016 21:48 GMT+7

Các hãng dầu khí nước ngoài đang lần đầu tiên quay lại quốc gia Trung Đông kể từ khi lệnh cấm vận quốc tế được dỡ bỏ hồi đầu năm nay.

Theo CNN, hãng Total của Pháp vừa ký thỏa thuận cơ bản nhằm giúp Iran phát triển mỏ khí đốt lớn South Pars cùng với công ty năng lượng Trung Quốc CNPC trong hôm nay 8.11.
“Sau sự phát triển thành công của Total ở mỏ South Pars giai đoạn 2 và giai đoạn 3 vào thập niên 2000, tập đoàn quay lại Iran để phát triển và mở ra giai đoạn mới ở mỏ khí đốt khổng lồ này”, CEO Total Patrick Pouyanné cho biết. Total sẽ vận hành dự án South Pars với miếng bánh 50,1%. CNPC sở hữu 30% và công ty Iran Petropars có 19,9%. Giai đoạn đầu tiên sẽ bao gồm 30 giếng và hai nền tảng kết nối với cơ sở tinh chế bằng hai đường ống dẫn dầu, chi phí khoảng 2 tỉ USD.
Cam kết của Total đại diện cho khoản đầu tư đầu tiên từ phương Tây trong ngành công nghiệp dầu khí của Iran từ khi lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng vào đầu năm nay. Hãng cho hay khoản đầu tư là “đúng theo luật pháp quốc gia và quốc tế”.
Việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt hồi tháng 1 cho phép Iran tăng tốc sản lượng dầu mỏ. Từ đầu năm đến nay, quốc gia Trung Đông tăng hạn ngạch từ 900.000 thùng dầu/ngày lên 3,7 triệu thùng dầu/ngày. Mục tiêu trước mắt của họ là sản xuất 4 triệu thùng/ngày. Iran có tiềm năng trở thành nhà sản xuất lớn hơn nhờ sở hữu 9% trữ lượng dầu đã được chứng minh của thế giới và tuyên bố có gần 1/5 lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu.
Dự án South Pars mới có công suất 1,8 tỉ feet khối khí, tương đương 370.000 thùng dầu mỗi ngày. Khí đốt được sản xuất sẽ hòa vào mạng lưới khí đốt Iran.
Nhiều năm chịu lệnh trừng phạt đẩy Iran vào cảnh thiếu tiền để phát huy hết tiềm năng. Hiện nước này kỳ vọng có thêm 185 tỉ USD tiền đầu tư chỉ vào ngành năng lượng trong 5 năm tới. Song các nỗ lực thu hút đối tác nước ngoài đã và đang gặp khó.
Mỹ vẫn áp dụng nhiều hạn chế ngăn chặn doanh nghiệp đầu tư vào Iran. Các công ty phương Tây thì miễn cưỡng trong việc đổ tiền vào vì nhiều nghi ngờ về tài trợ của các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ. Một số ngân hàng bên ngoài Mỹ bị chính phủ Mỹ phạt hàng tỉ USD vì vi phạm quy định về vấn đề làm ăn với Iran trước khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Không như các công ty dầu khí Mỹ, hãng Total không bị giới hạn về việc ký hợp đồng với Iran, đất nước họ đã hoạt động từ năm 1990.

tin liên quan

Nhiều ngân hàng châu Âu ngại làm ăn với Iran
Dù một số doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng với Iran từ khi Mỹ và các cường quốc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nước này, nhiều ngân hàng vẫn lo lắng khi nhắc đến quốc gia Trung Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.