“Hủy tổ chức chặng đua F1 để bảo toàn nguồn lực quốc gia”

20/10/2020 06:27 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh) đã khẳng định như vậy khi trả lời Thanh Niên về việc hủy tổ chức chặng đua F1 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Không để nguồn lực lớn bị lãng phí vô ích

“Hủy tổ chức chặng đua F1  để bảo toàn nguồn lực quốc gia”

Ảnh: Ngọc Thắng

Khi Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh và ngày càng cho thấy là điểm đến an toàn thì ban tổ chức (BTC) đường đua F1 Việt Nam mới đây lại thông báo hủy chặng đua tại nước ta năm 2020. Quan điểm của ông như thế nào về việc này?
Tôi hoàn toàn không nhận thấy điểm gì xung đột trong quyết định của Hà Nội và BTC. Tôi ủng hộ quyết định này bởi 2 yếu tố: Sự an toàn, ổn định và Hiệu quả kinh tế.
Chúng ta không thể nhìn đại dịch Covid-19 với góc nhìn riêng của Việt Nam và không nên tự thỏa mãn với kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Phải có cách nhìn tổng thể về tác động tiêu cực của đại dịch này trong mối liên hệ với hàng loạt quốc gia đang đối mặt với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Các dự báo đều cho thấy, những tác động tiêu cực từ đại dịch sẽ không chỉ dừng lại trong ngắn hạn, mà có thể kéo theo nhiều hệ lụy, làm thay đổi diện mạo trên nhiều lĩnh vực của đời sống.
Hơn nữa, những ngày này, cả nước đều hướng về miền Trung đau thương, nơi lũ lụt đang hoành hành và đã cướp đi nhiều sinh mạng của đồng bào ta, gây thiệt hại lớn về tài sản chưa thể thống kê đầy đủ. Trong bối cảnh ấy, thì điều tối quan trọng vào lúc này là phải bảo đảm sự an toàn cho nhân dân, song song với việc bảo toàn và thực bồi các nguồn lực quốc gia.
Cũng có ý kiến cho rằng, khi khâu tổ chức đã gần như hoàn tất, nếu sự kiện thể thao này diễn ra có thể bù đắp phần nào kinh phí đầu tư...?
Khi quyết định tổ chức giải đấu này, một trong những mục tiêu đặt ra là nguồn thu từ khách du lịch, dịch vụ và lợi ích gián tiếp là thương hiệu quốc gia, hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam được quảng bá. Thế nhưng, với tình hình hiện tại, sẽ có bao nhiêu khách quốc tế đến Việt Nam? Con số chắc chắn là rất nhỏ. Nếu vẫn tổ chức một chặng đua F1 chỉ cho người dân Việt Nam thì càng không ổn. Điều gì sẽ xảy ra, nếu những người tham gia và hâm mộ môn thể thao này đến nước ta cùng với vi rút SARS-CoV-2? Và, để tổ chức chặng đua F1, thì cũng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khoản lớn phải bỏ ra, trong khi các doanh nghiệp (DN) đang phải chắt chiu, tiết kiệm từng đồng để khắc phục thiệt hại từ đại dịch. Như vậy, chấp nhận “cắt lỗ” đúng lúc mới là không lãng phí chứ!
Khi những dữ liệu đầu vào của một bài toán kinh tế đã sai lệch lớn, thì không có lý do gì để Việt Nam phải tiếp tục công việc tổ chức giải đấu này để gây thêm thiệt hại cho nguồn lực của DN. Nếu DN vì việc này mà lao đao, thì không những tự làm suy yếu năng lực tài chính của mình, mà nghĩa vụ, vai trò đóng góp cho nền kinh tế cũng sẽ bị giảm sút. Vì vậy, cần nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và chính lúc này, không những phải có cơ chế bảo toàn tài sản, tài chính, mà còn phải tiếp sức, giúp các DN có thêm nguồn lực để tái đầu tư, tái cấu trúc, tìm hướng đi mới thực sự hiệu quả hơn.

Ưu tiên nguồn lực cho doanh nghiệp có sức lan tỏa

Liệu có bi quan quá không bởi nhiều người dự đoán, Việt Nam có thể là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương trong năm nay, thay vì con số âm như phần lớn các nước, thưa ông?

F1 với người Việt Nam chưa phổ biến như bóng đá, mức độ quan tâm chủ yếu vì tò mò nên thực tế sẽ không ảnh hưởng gì. Ngay cả với những người yêu thích bộ môn tốc độ này, tôi tin rằng, họ cũng sẽ chia sẻ với những khó khăn của đất nước và khó khăn của các DN để cùng ý chí vì lợi ích chung. 

Ông Lê Thanh Vân

Đúng là Chính phủ đã có các giải pháp đúng đắn trong điều hành cả về phòng chống dịch và duy trì, phát triển kinh tế với mong muốn đạt được mục tiêu kép. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới, chưa thể nhận định chính xác được những gì sẽ diễn ra, phải đương đầu trong tương lai gần. Nhưng, đã có nhiều ngành nghề được dự đoán cần ít nhất 5 năm để hồi phục.
Trong 9 tháng của năm nay, số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh lên tới 38.600 DN, tăng 81,8% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức cao nhất trong giai đoạn 2015 - 2020. Số thu ngân sách chính là tấm gương phản ánh tình hình sức khỏe DN và cả nền kinh tế và tổng thu sau 9 tháng mới đạt 975.300 tỉ đồng, giảm tới 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh ấy, theo tôi, không gì quan trọng hơn bằng việc bảo toàn nguồn lực và có chính sách ưu tiên cụ thể, thông qua hoạt động kiến tạo chính sách, để tạo động lực, định hướng lâu dài cho nền kinh tế. Chúng ta còn phải đi trên con đường dài, bởi thế, tôi ủng hộ nhiều ý kiến đưa ra trước đó là cần xem xét dừng chặng đua F1 không chỉ một năm mà phải nhiều năm nữa, để dồn mọi nguồn lực vào khoảng thời gian có thể coi là bước ngoặt cho cả nền kinh tế. Khi DN đã kiệt quệ rồi, thì cần phải dứt khoát và quyết đoán đình chỉ việc tổ chức giải đấu, để bảo toàn, thực bồi nguồn lực, chuẩn bị cho những bứt phá về sau.
Vậy còn chi phí đã bỏ ra thì sao, thưa ông? Đó cũng là nguồn lực và nếu ta hủy giải đấu trong thời gian dài, tức là chấp nhận mất hoàn toàn số tiền không nhỏ ấy?
Dịch Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ. Nó thậm chí còn buộc mọi quốc gia trên thế giới phải lựa chọn dứt khoát giữa an toàn xã hội hay tiếp tục phát triển kinh tế cùng với những rủi ro rình rập, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất trắng tất cả. Giải đấu F1 trong điều kiện trước thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra có thể là cơ hội tốt để đầu tư, không chỉ thu được lợi ích trong kinh tế, mà còn tạo thêm giá trị thương hiệu quốc gia. Nhưng hiện nay, khi mà điều kiện, hoàn cảnh đã thay đổi, thì việc tiếp tục theo đuổi sự kiện này lại trở thành gánh nặng quá sức cho đơn vị đầu tư. Nếu cứ cố tổ chức sự kiện khi sức khỏe của các DN chưa kịp hồi phục, thì hậu quả đã có thể nhìn thấy trước.
Theo tôi, điều quan trọng lúc này là phải giữ được niềm tin cho DN, cũng chính là giúp cho sự ổn định của nền kinh tế. Đây chính là lúc rất cần đến vai trò của nhà nước hơn lúc nào hết. Nhà nước cần hỗ trợ DN về mọi mặt, cả vật chất lẫn tinh thần, và đó mới chính là kế sách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài. Tuy nhiên, tôi cũng đặc biệt lưu ý rằng, hiện tại dư địa nguồn lực của Việt Nam có hạn, nên chúng ta không thể hỗ trợ tràn lan, mà phải chọn đúng DN có tiềm năng, lợi thế, đủ sức tin cậy để làm điểm kích hoạt. Đó là những ngành nghề có khả năng tạo sức đột phá lớn, bùng nổ mạnh, lan tỏa rộng, làm điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, đặc biệt là các mô hình quản trị tiên tiến, trọng dụng nhân tài, có khả năng sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.