Hủy hoại di sản là đập bể nồi cơm của chính mình

Thanh Xuân
Thanh Xuân
10/06/2019 12:10 GMT+7

Đó là ý kiến của PGS. TS. KTS Trần Văn Khải - giảng viên môn bảo tồn di sản tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.6.

Tư duy sai lầm về di sản

Theo KTS Trần Văn Khải, bảo tồn di sản văn hóa thế giới có các quy định, từ thời Đế chế La Mã, sau đó đến thế kỷ 15, các giáo hoàng ban hành nhiều điều luật bảo vệ các di tích, lên danh sách, xếp hạng các di sản văn hóa. Luật bảo tồn di sản Ý năm 1939 đặt toàn bộ di sản kiến trúc và nghệ thuật dưới sự giám sát của nhà nước, bất chấp đó là tài sản tư nhân hay công cộng… Ở Việt Nam, Quốc hội thông qua luật Di sản từ năm 2001. Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, theo vị Phó giáo sư này, có lợi ích cả về văn hóa tinh thần và lợi ích kinh tế, một kiến trúc đô thị có bản sắc, có ý nghĩa lớn thì nguồn thu về du lịch lớn.
Thế nhưng nhiều công trình bị đập phá vì sợ “bị rơi vào đầu”. KTS Trần Văn Khải lý giải, nguyên nhân dẫn đến di sản bị phá hủy là nhiều yếu tố nhưng có yếu tố từ xã hội. Khi giá đất tăng, di sản khó tồn tại bởi tư duy xây nhà cao ốc có lời hơn để lại chùa… Tư duy cho rằng phá các di sản để xây dựng công trình mới, to lớn hơn; đập công trình cổ đi, xây mới có hiệu quả kinh tế cao hơn hay phá đi, xây bắt chước theo kiểu cũ... là sai lầm.
"Họ không hiểu và không biết chơi đồ cổ, tự đánh vào doanh thu của mình" - KTS Khải nói và dẫn chứng, khi Hòn Phụ tử tại Rạch Giá sụp do thiên nhiên tác động, lượng khách du lịch đến Rạch Giá giảm, hãng hàng không cũng cắt giảm bay tuyến này… Việc phá hủy một di sản kiến trúc không đơn giản là phá hủy một ngôi nhà hư nát mà chính là đập bể chén cơm của đồng bào và doanh nghiệp địa phương.

Bảo tồn di sản là bảo vệ quyền lợi người dân

Để bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, ông Trần Văn Khải cho rằng có 2 phương pháp. Một là bảo tồn như một công trình kỷ niệm thuần túy để trong tủ kính. Thứ hai là bảo tồn như một vật thể sống như triều đình Huế có nhã nhạc. Tránh phương thức bảo tồn kiểu mặt tiền giả kém chất sống vì công trình đã bị phá hủy. Chẳng hạn như Chợ Đồng Xuân sửa bên ngoài, do mặt tiền giả nên nhiều người không vào xem. “Đừng hoảng hốt khi di sản bị phá hủy mà vội báo cáo chẳng còn gì để bảo tồn để rồi quyết định xóa sổ. Có thể phục hưng di sản như chùa Một cột đã làm trước đây”, ông Khải cho hay.
PGS Trần Văn Khải phát biểu tại hội thảo Ngọc Thạch
Theo KTS Trần Văn Khải, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, một số công trình gây cản trở cho phát triển... là có thật. Giải quyết vấn đề này cũng rất khó. Giải pháp là biến bảo tồn thành nguồn lực phát triển. Đứng ở góc độ nhà nước có 3 công cụ trong tay: quy hoạch sử dụng đất (cơ cấu quy hoạch thay đổi. Ví dụ bên ngoài khu phố cổ Hội An là các resort cao cấp nhưng bên trọng, đầu tư hạ tầng cơ sở như phố cổ, cấm xe đi vào); chính sách thuế (Hàng Đào, Hàng Ngang giảm thuế và tăng thuế ở chỗ khác).
Kiến trúc La Mã trong đô thị hiện đại
Ông Trần Văn Khải cho rằng: “Các chính sách nhà nước không chỉ bắt buộc mà phải nâng đỡ mọi người, người có di sản phải sướng hơn người không có. Tại Hội An, nhà nào nằm trong danh sách di sản thì được nhiều người đến hỏi thuê hơn. Làm sao để người có di sản có thu nhập tốt để người đó không phá đi di sản, như vậy họ sẽ bảo tồn. “Bảo tồn di sản kiến trúc đô thị đồng nghĩa với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người dân sống trong di sản đó” - ông Khải nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.