Hơn 6 năm, xử lý gần 786.000 tỉ đồng nợ xấu

Anh Vũ
Anh Vũ
28/08/2018 11:56 GMT+7

“Cục máu đông” của nền kinh tế được xử lý bằng nhiều biện pháp, trong đó có vai trò không nhỏ của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) .


Ngày 28.8, Ngân hàng nhà nước tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ - TTg. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức  trực tuyến, với sự tham gia của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. 


Theo báo cáo, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6.2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 786.000 tỉ đồng, riêng 6 tháng đầu năm xử lý ước đạt 58.800 tỉ đồng (trong đó, các tổ chức tín dụng tự xử lý 56.740 tỉ đồng).


Đối với việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, đến 30.6, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu (không bao gồm 61.000 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).

 

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70.230 tỉ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 21.590 tỉ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46.460 tỉ đồng (chiếm 33,59%). 


Nếu như trước kia, các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc thu giữ các tài sản đảm bảo, thì theo báo cáo, VAMC đảm nhiệm khá tốt vai trò này, đặc biệt tại các dự án bất động sản.

 

Một số dự án lớn mà công ty này đã thu hồi và bán lại gồm tài sản bảo đảm của Công ty cổ phầnThép Tân Quốc Duy (bảo đảm cho khoản nợ của Công ty Thuận Kiều, tại Đường Kha Vạn Cân, Dĩ An, Bình Dương); tài sản bảo đảm của nhóm khách hàng Công ty cổ phần Sài Gòn One Tower là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (tại địa chỉ 34 Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM). Đây là khoản nợ xấu lớn nhất mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, với tổng nợ gốc và lãi gần 7.000 tỉ đồng.


Ngoài ra, còn có tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Xi măng Puzơlan Gia Lai thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy sản xuất xi măng Puzơlan Gia Lai tại xã Ia Băng, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai; tài sản bảo đảm của Phạm Thiện Căn và Phạm Thị Lan (bảo đảm cho khoản nợ của Công ty cổ phần Quan Nhân, tại Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội); 2 tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần Công nghiệp Bắc Hải (tại Cụm công nghiệp Hà Mãn, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).


Tại hội nghị, Chủ tịch VAMC Nguyễn Tiến Đông kiến nghị, vốn điều lệ hiện có của VAMC là 2.000 tỉ đồng, chưa đáp ứng được một phần nhu cầu bán nợ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, VAMC đề nghị Chính phủ, Ngân hàng nhà nước cấp bổ sung đủ vốn điều lệ cho VAMC đạt mức 5.000 tỉ đồng đến hết năm 2018 và mức 10.000 tỉ đồng đến hết năm 2020.

 

Qua đó, đẩy nhanh công tác xử lý nợ xấu thực chất và hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại các hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1058.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.