Hội nhập chưa như kỳ vọng

19/09/2015 06:16 GMT+7

Thảo luận về Báo cáo giám sát kết quả quá trình gia nhập WTO sáng 18.9, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kết quả hội nhập chưa được như kỳ vọng.

Thảo luận về Báo cáo giám sát kết quả quá trình gia nhập WTO sáng 18.9, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng kết quả hội nhập chưa được như kỳ vọng.
 
Nền kinh tế VN vẫn gặp nhiều thách thức sau thời gian dài hội nhập - Ảnh: Ngọc ThắngNền kinh tế VN vẫn gặp nhiều thách thức sau thời gian dài hội nhập - Ảnh: Ngọc Thắng
Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, từ 11.1.2007, việc gia nhập WTO đã giúp VN mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao 7,13%. Theo báo cáo của WTO, xuất, nhập khẩu của VN tăng so với thời điểm gia nhập WTO. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 50, năm 2014 tăng lên thứ 34; nhập khẩu năm 2007 xếp thứ 41 thì năm 2014 tăng lên thứ 32. Trong giai đoạn 2007 - 2014, châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu của các doanh nghiệp VN, sau đó đến các thị trường ở châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương và châu Phi.
Chịu nhiều sức ép
Báo cáo cũng chỉ ra, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp VN phải đối mặt với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa, chịu sức ép phải tuân thủ các điều khoản quy định về vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ… của các đối tác. Đây vừa là cơ hội để tự nâng cao năng lực, vừa là thách thức vì đa số doanh nghiệp VN là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu công nghệ, vốn và kinh nghiệm, quản trị và quy trình sản xuất chưa hiện đại.
Tăng trưởng đã thực sự chưa? VN đã vượt qua được các thách thức để chuyển thành cơ hội? Khoảng cách thực tế giữa VN và thế giới có được thu hẹp?
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, yêu cầu cần làm rõ nguyên nhân về việc, mặc dù có nhiều lợi thế nhưng VN lại không phát huy được. Trong khi đó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng khi nền kinh tế bước sang giai đoạn hội nhập theo chiều sâu đã bộc lộ những điểm yếu, cần tìm ra nguyên nhân của vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đặt câu hỏi: “Kết quả mà VN đạt được đã tương xứng với kỳ vọng đặt ra khi gia nhập WTO hay chưa?”. Phân tích về khía cạnh tác động trong các lĩnh vực xã hội, bà Mai cho rằng cần có đánh giá riêng để thấy đời sống người dân có những thay đổi hay đã phải chịu những áp lực gì, đặc biệt là vấn đề lao động việc làm.
Còn loay hoay
Theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, thực tế cho thấy qua hội nhập WTO, VN vẫn chưa xây dựng được lực lượng doanh nghiệp lớn, tập đoàn mạnh như mong muốn. Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, ngay cả cán bộ nhà nước còn loay hoay với các vấn đề hội nhập, cho thấy những thách thức rất rõ khi đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong phần phát biểu của mình đã nêu ra hàng loạt câu hỏi về việc “Tăng trưởng đã thực sự chưa?”, “VN đã vượt qua được các thách thức để chuyển thành cơ hội?”, “Khoảng cách thực tế giữa VN và thế giới có được thu hẹp?”. Theo Chủ tịch QH, đây là đợt rà soát quan trọng của quá trình hội nhập WTO để tìm ra những nguyên nhân, hóa giải vấn đề trước khi VN tiếp tục hội nhập với Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới đây.
Yêu cầu luật hóa việc nhà nước can thiệp giá thuốc
Hôm qua, UBTV QH cũng đã thảo luận về dự thảo luật Dược (sửa đổi). Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng, cần làm rõ tiêu chí đảm bảo tính khả thi đối với việc bình ổn giá thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, luật Giá và các văn bản hướng dẫn cũng như dự thảo luật Dược chưa làm rõ tiêu chí để đảm bảo tính khả thi về thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với thuốc thiết yếu khi có biến động bất thường về giá, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội theo quy định tại luật Giá. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể tiêu chí này trong dự thảo luật, làm cơ sở để nhà nước can thiệp khi giá thuốc có biến động bất thường.
Góp ý cho dự luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tới đây khi trình dự luật ra QH lần đầu, Ban soạn thảo phải báo cáo cụ thể tình hình sản xuất thuốc trong nước, bao gồm cả thuốc tây và thuốc nam hiện nay như thế nào và khắc phục những tồn tại ra sao. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu rõ hiện các nhà máy dược con số tuy nhiều nhưng thực chất vẫn chỉ là bào chế, chưa có nghiên cứu khoa học về thuốc. “Công nghệ sản xuất thuốc lạc hậu, chủ yếu mua nguyên liệu về dập... Có cả tình trạng thuốc “gia truyền” thực chất là trộn thuốc tây cho thêm bột gạo, mật ong... Các vùng nguyên liệu không phát triển được trong khi thương lái Trung Quốc thì sang VN mua cả gốc lẫn rễ. Có khắc phục được chuyện này không? Phải báo cáo QH cho rõ”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.