Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều và cơ hội phát triển kinh tế

10/06/2018 10:44 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ tạo ra thay đổi lớn cho nền kinh tế Triều Tiên, vốn đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Triều Tiên được nhiều người coi là biên giới kinh tế cuối cùng của Đông Bắc Á. Tiềm năng của nền kinh tế này vẫn chưa được phát huy hết do sự cô lập của đất nước so với phần còn lại của cộng đồng toàn cầu, cũng như tình trạng thiếu hệ thống đường bộ, đường sắt hiện đại, cảng và cơ sở hạ tầng điện.
Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 12.6 sắp tới với Mỹ được coi là một khả năng có thể mở cánh cửa cho nền kinh tế khép kín nhất thế giới. Trung Quốc và Hàn Quốc đang chuẩn bị sẵn tâm thế nắm bắt nhiều cơ hội tiềm năng đang chờ đợi phía trước.
“Bình Nhưỡng đang mở rộng quan hệ với các nước láng giềng để giành được lợi ích kinh tế tối đa. Họ không muốn dựa vào một quốc gia để được hỗ trợ kinh tế vì sợ trở nên lệ thuộc vào quốc gia đó”, Lee Chanwoo, giáo sư tại trường Teikyo University Juinor College ở Tokyo, nói.
Tháng 4.2018, ông Kim Jong-un nói rõ rằng mục tiêu trọng tâm của ông là thiết lập một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Trước năm 2018, phát triển kinh tế dường như luôn phải nhường chỗ cho mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo Nikkei, tại hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều diễn ra vào cuối tháng 4.2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nói với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng Bình Nhưỡng muốn mở cửa đối thoại với Tokyo. Đây là dấu hiệu cho thấy ông Kim đang chú ý đến khoản đền bù từ quốc gia đã chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945. Năm 2002, Nhật Bản hứa sẽ đền bù, ước tính khoảng 5 đến 10 tỉ USD, cho Bình Nhưỡng trong trường hợp hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Trong những năm 1960, Tokyo đã cung cấp cho Hàn Quốc khoản tài trợ và khoản vay trị giá 500 triệu USD.
Năm ngoái, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch và một tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tiếp cận đất liền của Mỹ. Động thái này đã khiến Mỹ và Liên Hiệp Quốc (UN) tăng cường các biện pháp chế tài lên quốc gia Đông Á nhằm ngăn chặn nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Còn bây giờ, cả Tổng thống Mỹ và Hàn Quốc đang cố gắng thuyết phục ông Kim rằng Triều Tiên sẽ được hỗ trợ kinh tế và cơ hội thương mại nếu tiến tới phi hạt nhân hóa.
Ông Moon Jae-in, người đóng vai trò cầu nối trung gian giữa Mỹ và Triều Tiên, đã đề nghị thiết lập ba vành đai kinh tế trên bán đảo, dọc theo bờ biển phía đông và phía tây, cũng như gần Khu vực Phi quân sự. Hành lang này sẽ cho phép hai miền Triều Tiên kết hợp năng lượng, tài nguyên, giao thông vận tải, hậu cần và tài sản công nghiệp của nhau.
Trong cuộc gặp lịch sử hồi tháng 4.2018, lãnh đạo hai miền đã ký Tuyên bố Bàn Môn Điếm, đồng ý hiện đại hóa đường bộ và đường sắt. Mạng lưới giao thông này được hình dung có thể mở rộng về phía tây bắc vào Trung Quốc và về phía đông bắc vào Nga, tạo điều kiện cho hàng hóa Triều Tiên đến các phần còn lại của châu Á và châu Âu.
“Động lực tích cực gần đây đối với hòa bình có thể có ý nghĩa sâu rộng đối với nền kinh tế Hàn Quốc và tiềm năng khu vực”, Goldman Sachs nói trong một nghiên cứu hồi tháng 5.2018.
Ngân hàng đầu tư New York dự đoán trong một báo cáo được trích dẫn rộng trãi trong năm 2009 rằng một bán đảo Triều Tiên thống nhất có thể vượt Pháp, Đức và cả Nhật Bản về quy mô kinh tế trong vòng 30 - 40 năm.
Đó không phải là điều gì quá huyền ảo. Báo cáo của Goldman Sachs nhấn mạnh lao động giá rẻ của Triều Tiên, lực lượng lao động được giáo dục và tài nguyên thiên nhiên phong phú đã đạt mức tăng trưởng đáng kể. Theo ông Kim Dong-yeon, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, các ngân hàng phát triển đa quốc gia quan tâm đến việc cho vay đối với những dự án phát triển ở miền bắc.
“Tôi đã nói chuyện với các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)”, ông Kim Dong-yoen cho biết.
Các công ty Hàn Quốc đã bắt đầu khám phá cơ hội kinh doanh tiềm năng ở Triều Tiên, khi việc nối lại ngoại giao gần đây làm dấy lên kỳ vọng về quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của UN. Tuần trước, Lotte đã lập một lực lượng đặc biệt để xác định mục tiêu đầu tư có thể có ở Triều Tiên. Nhóm này bao gồm tám giám đốc điều hành từ các doanh nghiệp thực phẩm, khách sạn, hậu cần và hóa chất của tập đoàn.
“Chúng tôi sẽ chủ động hỗ trợ các chính sách của Tổng thống Moon Jae-in”, Oh Sung-yup, Phó chủ tịch Lotte, cũng là người đứng đầu nhóm đặc trách, nói.
KT, nhà cung cấp điện thoại cố định lớn nhất Hàn Quốc, đang xem xét giúp Triều Tiên tăng cường cơ sở hạ tầng truyền thông. Còn Hyundai Asan hy vọng sẽ mở lại khu nghỉ mát Mount Kumgang mà hai miền Triều Tiên đã cùng nhau xây dựng. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa chắc chắn ít nhất cho đến khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Singapore vào ngày 12.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.