Hỗ trợ doanh nghiệp để tạo động lực phát triển

30/04/2016 07:17 GMT+7

Đó là thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị doanh nghiệp VN 2016 được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM vào hôm qua (29.4).

Hội nghị doanh nghiệp (DN) VN năm 2016 với chủ đề: “DN VN - Động lực phát triển” với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến qua mạng của hơn 10.000 DN trên cả nước, lãnh đạo 63 tỉnh, thành và lãnh đạo các bộ ngành T.Ư.
Những con số “không bình thường”
Đại diện cho tiếng nói của hơn 500.000 DN cả nước phát biểu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) dẫn các số liệu tình hình hoạt động và giải thể của DN từ ngày có luật DN đến nay. Trong 15 năm qua cả nước có 941.000 DN được đăng ký thành lập. Nhưng đến cuối 2015, chỉ còn lại 513.000 DN còn hoạt động (chiếm 54,5%), 428.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể vì nhiều lý do khác nhau (chiếm 45,5%). Riêng trong quý 1 năm nay, số DN ngừng hoạt động và giải thể tăng 14% so cùng kỳ.
“Dẫu biết rằng việc DN ngừng hoạt động hay giải thể là lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường, song điều đáng nói là khoảng một nửa số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể chỉ diễn ra trong 3 năm gần đây và đang có xu hướng gia tăng”, ông Lộc cho biết và nói thêm: “Đặc biệt, số DN còn đang hoạt động đến cuối năm 2015, chỉ 42% số đó có lãi. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh doanh DN còn thấp và môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều khó khăn. Đây là điều không bình thường trong một nền kinh tế thị trường còn non trẻ, hội nhập và đang có nhiều cơ hội kinh doanh như ở VN”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự hội nghị Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ngoài ra, theo ông Lộc, hiện chi phí vốn và các khoản thuế phí của DN còn phải gánh quá lớn. DN VN đang phải vay ngân hàng với mức lãi suất bình quân 8,5%, trong khi lạm phát 1,84% năm 2014 và 0,6% năm 2015. “Như vậy, lãi suất thực mà DN đang phải chịu đựng là 7 - 8%/năm, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines là 2,2%/năm, Malaysia là 2,1%/năm. Hiện các khoản thuế, phí ở VN chiếm tới 40,8% lợi nhuận của DN. Đây là mức huy động thuộc loại cao nhất trong khu vực”.
Từ thực tế trên, ông Lộc kiến nghị Chính phủ đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn, giảm thiểu rủi ro và chi phí cho DN nhằm hướng tới mục tiêu có 1,5 - 2 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Đặc biệt, trong công cuộc cải cách rà soát loại bỏ các giấy phép con, nên tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN.
Bàn về quy mô DN nhỏ nhiều, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV), đặt vấn đề Chính phủ cần xác định xây dựng tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân mạnh. Làm thế nào để trong vòng 5 năm tới chúng ta có 5 - 10 tập đoàn kinh tế lớn. Nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn luật Đầu tư, dưới luật chỉ nên có 1 nghị định hướng dẫn, không ban hành thêm thông tư và cần có cơ chế giám sát, chế tài mạnh mẽ đối với cán bộ thực thi có hành vi nhũng nhiễu DN, nhanh chóng ban hành luật Phá sản.
Ông Hà cũng cảnh báo việc thực thi Nghị quyết 19 trong nâng cao năng lực cạnh tranh DN, phải có bước kiểm chứng từ phía DN, chứ sao các cơ quan quản lý báo cáo có cải tiến, DN lại bảo không. Kết thúc phần phát biểu, ông Hà mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng. “Trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan nhà nước là nhạc công và DN chúng tôi là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước”, ông Hà so sánh.
Đại diện DN tư nhân, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Thaco, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của DN. Cần đánh giá lại các ngành kinh tế để có chính sách phù hợp và có cơ chế bảo vệ các DN làm ăn chân chính. “Với những ngành công nghiệp mũi nhọn, cần có chính sách bảo vệ thị trường phù hợp cam kết hội nhập và lộ trình nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài liên doanh liên kết với DN trong nước, tạo điều kiện để DN trong nước học hỏi, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Dương nêu vấn đề và kiến nghị phải có biện pháp mạnh với các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, hàng giả, hàng lậu nhằm bảo vệ uy tín và thương hiệu DN.
Sau phần trình bày của ông Dương, Thủ tướng tiếp lời cho rằng, trường hợp ô tô Trường Hải là minh chứng cho sự năng động hội nhập của DN. Theo Thủ tướng, khi hội nhập sâu, những dòng thuế giảm trong đó có xe hơi, ô tô Trường Hải đã chủ động đầu tư đến 30 nhà máy sản xuất ô tô để có thể chủ động được sản phẩm phục vụ thị trường và đã thành công.
Doanh nghiệp khổ vì tiếp quá nhiều đoàn kiểm tra
Không chỉ kiến nghị vấn đề vĩ mô, nhiều DN đưa những kiến nghị thực tiễn đáng lưu ý. Như chuyện cải cách hành chính, đại diện Hiệp hội Dệt may cho biết nhiều DN phàn nàn bị kiểm tra liên tục, ngành nào cũng kiểm tra, gây ức chế cho DN. Một DN sản xuất có thể liên quan đến các cơ quan quản lý: thuế, hải quan, lao động thương binh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…
“Mỗi cơ quan quản lý cứ lập đoàn kiểm tra, đôi khi có tháng tiếp 3 - 4 đoàn. Theo DN, các cơ quan quản lý nên “gom” hết một đoàn, kiểm tra theo quý hoặc năm 2 lần là đủ để DN còn có thời gian tập trung sản xuất hơn”, đại diện Hiệp hội Dệt may kiến nghị. Vị đại diện này cũng nhấn mạnh cần tách bạch vấn đề quản lý môi trường dệt và may khác nhau, quy mô DN lớn bé cũng khác nhau. “Tiêu chuẩn môi trường không thể thu vào một “cục” để quản lý được. Bởi thực tế, có ngành không cần thiết đưa ra tiêu chuẩn môi trường quá nặng nề. Ví dụ, DN nhỏ với quy mô 400 lao động, đòi hỏi phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải lên mấy tỉ đồng. Ngành may không dùng hóa chất nhưng áp dụng quy định về đầu tư xử lý môi trường như dệt là quá nặng nề cho DN may”, đại diện Hiệp hội Dệt may VN kiến nghị. Ngoài ra, liên quan đến Thông tư 37 về kiểm nghiệm vải nhập, theo vị đại diện Hiệp hội Dệt may, một khúc vải mẫu vài ba mét mà cứ phải cắt đi kiểm nghiệm miệt mài gây quá khó khăn cho DN. Riêng trong quý 1 năm nay, có hơn 130 lần DN mang những khúc vải 3 - 5 m này đi “chầu chực” để kiểm nghiệm.
Loại bỏ giấy phép con, phí, phụ phí
Trả lời các kiến nghị của DN, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Bộ sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội hơn nữa và hứa sẽ đưa VN là một trong 50 quốc gia đứng đầu thế giới về dịch vụ tài chính tốt, đến 2020 sẽ tạo lập môi trường cạnh tranh và năng lực ngang bằng 3 nước hàng đầu ASEAN trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế như thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội xuống dưới 150 giờ/năm, giảm thời gian thông quan hàng hóa…


Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc


Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng hứa sẽ có giải pháp hỗ trợ DN, đặc biệt DN khu vực tư nhân, DN quy mô vừa và nhỏ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cam kết sẽ họp với các ngân hàng thương mại lớn, các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt giảm lãi suất cho vay ngắn và trung hạn. Tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, cơ cấu, xử lý nợ xấu... cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hứa sẽ quyết liệt trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề “sống còn”. Ông Tuấn Anh hứa sẽ tìm cách tháo gỡ những vướng mắc mà DN dệt may đang vướng như quy định về môi trường, kiểm tra vải mẫu…
Chỉ đạo kết thúc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh các vấn đề tồn tại như: ban hành văn bản dưới luật còn cảm tính, không rõ ràng, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề. Chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích DN đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn...
Liên quan đảm bảo kinh tế vĩ mô, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành chính sách phải quy định rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm đến cùng quyết định của mình. Về vấn đề này, trong buổi họp báo cuối ngày hôm qua, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng thông tin việc quy trách nhiệm không rõ ràng nên rất khó xử lý. Sắp tới sẽ xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về phát triển DN trong giai đoạn tới. “Bước đầu là quy trách nhiệm cơ quan ban hành văn bản, tiến đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đó. Xử lý vấn đề triệt để hay không phải xác định trách nhiệm của từng cơ quan một. Và chúng tôi cho rằng, kết quả của hội nghị hôm nay sẽ là một nghị quyết mới trong tương lai gần của Chính phủ”, ông Lê Mạnh Hà thông tin.
Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần coi người dân, DN là đối tượng phục vụ và các quy định mới phải bảo đảm tính minh bạch lượng hóa được. “Nhà nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã được Quốc hội thông qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng gặp các nữ doanh nhân
Ngày 29.4, nhân cuộc gặp gỡ với cộng đồng DN tại TP.HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có buổi gặp gỡ với đoàn đại biểu Hiệp hội Nữ doanh nhân VN. Báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân VN, cho biết những năm gần đây, đội ngũ nữ doanh nhân không ngừng lớn mạnh. Từ số 65.000 nữ lãnh đạo các DN vào năm 2010 đã tăng lên 91.000 người vào năm 2015. Trong đó số lượng nữ doanh nhân điều hành các DN trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm 60%. Thay mặt hiệp hội, bà Hồ Thị Kim Thoa kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ban, ngành nghiên cứu, bổ sung các quy định ưu tiên cho DN sử dụng nhiều lao động nữ, quan tâm hỗ trợ cho nhóm DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chúc mừng và tuyên dương các nữ doanh nhân đã thành công trong sự nghiệp lẫn gia đình.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng cho biết sắp tới, Chính phủ sẽ cải cách hành chính mạnh mẽ, tiếp tục công khai hóa, minh bạch hóa trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt thay đổi từ hành chính mệnh lệnh sang phục vụ nhân dân, phục vụ DN. Đồng thời sẽ đẩy mạnh việc giảm chi phí, lệ phí, tránh phí chồng phí, tránh thanh tra chồng thanh tra gây hoang mang cho DN. Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ không hình sự hóa kinh tế và nghiêm cấm việc dọa nạt các DN. Kết thúc buổi gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng hứa sẽ tiếp tục quan tâm đến cộng đồng DN nói chung và các doanh nhân nữ nói riêng, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động và phát triển.
Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.