Hiệu quả cây màu giữa mùa khô hạn

06/04/2016 21:24 GMT+7

Hiện nay, trong khi nông dân các tỉnh ĐBSCL đang vất vả đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn, thì những người trồng rau màu ven sông Hậu thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp lại trúng mùa.

Hiện nay, trong khi nông dân các tỉnh ĐBSCL đang vất vả đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn, thì những người trồng rau màu ven sông Hậu thuộc 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp lại trúng mùa.

Cánh đồng màu xanh tốt giữa mùa khô hạn ở xã Tân Bình - Ảnh: An LạcCánh đồng màu xanh tốt giữa mùa khô hạn ở xã Tân Bình - Ảnh: An Lạc
Bỏ túi bạc triệu…
Cuối tháng 3.2016, thời tiết tại ĐBSCL tiếp tục oi bức, nắng như đổ lửa, thế nhưng người dân các xã Tân Bình, Thành Lợi, Tân An Thạnh, Tân Hưng (H.Bình Tân, Vĩnh Long) vẫn hồ hởi trên cánh đồng màu. Anh Nguyễn Hồng Văn (ngụ xã Tân Bình) cho biết: “Cách đây hơn một tuần, gia đình tôi thu hoạch 1,5 công bắp cải được hơn 6 tấn. Thương lái mua tại ruộng với giá 7.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lời khoảng 34 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với làm lúa”. Theo anh Văn, mức lời trên cứ tưởng cao chót vót nhưng không ngờ hiện giá bắp cải tiếp tục tăng từ 10.000 đồng/kg trở lên, nên những hộ thu hoạch sau còn trúng đậm hơn.
Cùng niềm vui trúng giá rau màu, chị Trần Thị Lệ (ngụ xã Thành Lợi) nói: “Vụ này tôi sản xuất chỉ có 2 công dưa leo nhưng thu hoạch được gần 3 tấn trái, bán với giá 12.000 đồng/kg, tính ra lời khoảng 20 triệu đồng”. Ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình (H.Bình Tân), cho biết: “Rất bất ngờ khi giá rau màu mùa hạn hiện nay tăng rất cao, hơn cả dịp Tết Nguyên đán 2016. Cụ thể, giá bắp cải dao động từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, dưa leo 12.000 - 14.000 đồng/kg, hành lá khoảng 400.000 đồng/tạ; khoai lang 500.000 đồng/tạ… đây là mức giá mà nông dân có lời cao”.
Tại các xã ven sông Hậu thuộc H.Lai Vung (Đồng Tháp) như xã Phong Hòa, Định Hòa, Tân Hòa… nông dân cũng tranh thủ trồng rau màu giữa mùa khô hạn. Theo UBND xã Tân Hòa, hằng năm cứ vào mùa khô là nông dân trong xã trồng khoảng 300 - 400 ha rau màu các loại như: mè, huệ, nấm rơm, dưa, ớt… Đây là những loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn giúp bà con vươn lên khá giả. Lợi thế của vùng này là nằm cạnh sông Hậu, có nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai tốt, cộng với hệ thống thủy lợi và giao thông nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho cây màu phát triển.
Phát huy lợi thế để làm giàu
Theo Phòng NN-PTNT H.Bình Tân, qua theo dõi nhiều năm thì vùng ven sông Hậu không hề bị thiếu nước trong mùa khô và rất phù hợp để trồng rau màu. Vì thế, cây màu ngày càng bám rễ và không ngừng mở rộng diện tích. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợi, cho biết: “Thông thường vào mùa khô hạn và mùa lũ thì nhiều nơi không trồng được rau màu, do đó giá cả thường tăng cao. Tận dụng lợi thế trên, mấy năm nay, nhiều hộ dân sống ở vùng ven sông Hậu đã mạnh dạn chuyển từ cây lúa sang trồng rau màu các loại và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao”.
Trong khi đó, Phòng NN-PTNT H.Lai Vung cho biết đến thời điểm này, dù lúa đang được giá nhưng khi so sánh thì vẫn không bằng cây màu. Điển hình như nông dân trồng mè lời khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/vụ, khoai lang 250 triệu đồng/ha/vụ, đậu bắp lời 70 triệu đồng/ha/vụ, dưa lê lời 170 triệu đồng/ha/vụ, huệ lời 150 - 180 triệu đồng/ha, dưa leo 100 triệu đồng/ha/vụ… Tất cả đều cao hơn nhiều so cây lúa. H.Lai Vung đã xây dựng được vùng chuyên canh màu rộng hơn 200 ha ở xã Phong Hòa, giúp nông dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang canh tác tập trung, quy mô lớn, được đầu tư bài bản về khoa học kỹ thuật, gắn nhu cầu thị trường, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; hướng tới tiêu chuẩn VietGAP...
TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, trong đó có việc giảm đất trồng lúa để trồng màu, cây ăn trái… đang được ngành nông nghiệp khuyến cáo, nhằm tăng thu nhập cho nông dân và ứng phó phù hợp với điều kiện hạn, mặn, thiếu nước ngọt ngày càng gay gắt. Cây màu giữa mùa khô hạn ở vùng ven sông Hậu là hướng đi triển vọng, cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân có thể vươn lên làm giàu, do đó cần nghiên cứu nhân rộng ở những vùng có điều kiện tương tự...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.