Hết thời tự do livestream, kiếm tiền online?

Mai Hà
Mai Hà
12/07/2021 06:48 GMT+7

Với động thái siết quản lý mạng xã hội đang được Bộ TT-TT xây dựng, sẽ không còn tình trạng livestream bôi nhọ, phỉ báng người khác, bán hàng online bừa bãi cũng như “lách luật” kiếm tiền online từ Facebook, YouTube…

Chủ kênh phải đăng ký, người dùng được khởi kiện

Giữa tháng 6.2021, gia đình chị Đỗ Thị Vân (Bắc Giang) đã bán được 8 tấn vải thiều Lục Ngạn chỉ sau 40 phút livestream trên sàn thương mại điện tử Sendo. Buổi livestream đã thu hút 20.000 người xem, tương tác trực tiếp người bán, tham quan vườn vải, học cách nhận diện vải thiều…
Kinh nghiệm của Trung Quốc là chính sách khuyến khích người dân livestream bán hàng, nhiều địa phương biến thị trấn thành các trung tâm livestream, nhân lực bán hàng livestream cũng được đào tạo bài bản. Chính phủ nước này cũng đưa ra các chính sách siết chặt quản lý, như người livestream phải cung cấp thẻ căn cước, mã tín dụng xã hội, phải chịu trách nhiệm mọi nội dung công khai, các nội dung xấu sẽ bị đưa vào danh sách đen
Các buổi livestream, chốt đơn thành công của nhiều nông dân bán vải thiều hay sầu riêng, dừa Bến Tre trên các nền tảng thương mại điện tử Việt mùa dịch đang mở ra những cách bán hàng, tiếp cận phi truyền thống hiệu quả.
Trước đó, dù chưa được chính thức đưa vào quản lý trong các văn bản quy phạm pháp luật, song một bộ phận “kinh tế ngầm” từ livestream bán hàng, làm kênh YouTube, Facebook, TikTok… đang mang lại nguồn thu rất lớn cho rất nhiều cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, bản thân sự phát triển nóng, thiếu kiểm soát nội dung, chất lượng từ các buổi livestream, các kênh kiếm tiền online đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Bài toán đặt ra là quản lý ra sao để lấp các “khoảng trống pháp lý”, tránh loạn livestream, đưa phần kinh tế ngầm này đóng góp minh bạch và tác động tích cực tới sự phát triển của kinh tế, xã hội.
Bộ TT-TT đang lấy ý kiến công khai dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet. Theo thống kê của Bộ TT-TT, các nền tảng mạng xã hội (MXH) xuyên biên giới đang chiếm ưu thế rất lớn so với MXH trong nước. Tính đến hết tháng 6, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên VN, YouTube có khoảng 60 triệu và TikTok khoảng 20 triệu. Trong khi đó, các MXH này chưa tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật VN, nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng MXH để hoạt động báo chí, tổ chức livestream nhằm cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân khác…
Hai điểm đáng chú ý nhất trong dự thảo sửa đổi nghị định là Bộ TT-TT đề xuất là nghĩa vụ của nhà cung cấp và quyền của người sử dụng. Theo đó, các kênh/tài khoản và các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 10.000 lượt người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT-TT và phối hợp xử lý thông tin vi phạm theo quy trình. Các dịch vụ này phải chặn, gỡ các thông tin, dịch vụ vi phạm trong 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền VN, các doanh nghiệp viễn thông cũng được phép thực hiện biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn nội dung vi phạm.
Đặc biệt, người sử dụng tại VN có quyền thông báo vi phạm, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới xử lý và khởi kiện. Các MXH xuyên biên giới phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại từ người sử dụng, tuân thủ bản quyền báo chí với các cơ quan báo chí VN. Riêng về livestream, chỉ cho phép các kênh, tài khoản đã thông báo với Bộ TT-TT mới được cung cấp dịch vụ phát trực tuyến (livestream) và dịch vụ có phát sinh doanh thu. Chủ tài khoản phải chịu trách nhiệm về nội dung và cả phần bình luận của người dùng.

Cần khuyến khích livestream “sạch”

Thường xuyên livestream bán hàng, chị N.T.H, chủ một cơ sở nhỏ bán yến tại Hà Nội tỏ ra lo ngại khi tới đây sẽ không thể tự do livestream chia sẻ, tăng tương tác cho cửa hàng. “Dù cơ sở sản xuất nho nhỏ nhưng tôi chủ yếu bán hàng online trên mạng qua Facebook, qua livestream. Nếu không được livestream nữa thì rất thiệt thòi cho những người bán hàng online nhỏ lẻ”, chị H. chia sẻ.
Thực tế, những người sáng tạo nội dung trực tuyến trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook (streamer, livestream), YouTuber, TikToker… tại VN dù đang gia tăng rất nhanh về số lượng, nhưng chưa được chính thức xem là một ngành nghề và cũng chưa có quy định, quản lý cụ thể. Đồng nghĩa với đó là các nội dung trực tuyến phát trên các nền tảng MXH này không được quản lý, giám sát chặt, dẫn tới nhiều nội dung phản cảm, sai lệch.
Theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, sự “bùng nổ” các hoạt động livetream thời gian qua có tác động tích cực và tiêu cực tới xã hội. Trong đó, livestream nội dung sai lệch, bôi nhọ danh dự hay livestream bán hàng giả, hàng nhái thu lời bất chính… là 2 trong số vô vàn biến tướng của trào lưu livestream. “Bộ TT-TT cần sớm đưa ra khuôn khổ pháp lý với các nền tảng MXH, livestream hay các ứng dụng trực tuyến để dự phòng rủi ro thông tin xấu. Tuy nhiên, quy định đăng ký vì sao chỉ áp dụng với các kênh 10.000 lượt người theo dõi hằng tháng mà không ít hơn hoặc nhiều hơn có thể cần được bàn thảo và lấy ý kiến thêm, do sẽ loại bỏ hàng loạt những người livestream bán hàng nhỏ lẻ, tự phát hiện nay”, ông Thắng nêu.
Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech, cho biết kinh nghiệm từ Trung Quốc là nước này áp dụng Bộ quy tắc ứng xử cho livestream bán hàng, thiên về hậu kiểm. Các MXH của nước này sẽ tiến hành kiểm tra nếu livestream nào vi phạm như bán hàng giả, kém chất lượng... sẽ bị khóa, hoặc cắt tài khoản. “Theo ước tính của cá nhân tôi, doanh thu bán hàng từ livestream đang tăng rất nhanh, chiếm từ 10 - 20% doanh thu từ thương mại điện tử. Rất nhiều cá nhân nhỏ lẻ livestream bán hàng trong mạng lưới quan hệ của họ chỉ vài chục đến vài trăm người. Thực tế hoạt động livestream diễn ra trên MXH nhiều hơn là ở các sàn thương mại điện tử, vì thế quy định quản lý cần có sự phối hợp giữa các bên, cả Bộ TT-TT và Bộ Công thương. Nếu quy định về số lượng người đăng ký kênh mới được livestream sẽ làm giảm tính xã hội hóa cao, khó tạo cơ hội cho những người yếu thế, từ nông dân đến tiểu thương”, ông Bình chia sẻ và cho rằng cần có thêm các chính sách tạo điều kiện cho livestream phát triển, bởi đây sẽ là một phần tương lai của ngành thương mại điện tử VN.
Tại Trung Quốc, theo thống kê đã có tới hơn 145 tỉ USD doanh thu từ dịch vụ livestream trong năm 2020, chiếm 10% tổng doanh thu thương mại điện tử. Không chỉ ngành bán lẻ, livestream còn được ứng dụng trong mọi lĩnh vực như giáo dục, giải trí và du lịch, y tế, tư vấn tuyển sinh, giảng dạy, khám chữa bệnh, du lịch…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.