Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé: Mang lại nhiều lợi ích

14/05/2019 07:00 GMT+7

Quý 3 năm nay, các công trình thuộc dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 bắt đầu triển khai xây dựng. Dự án này khi hoàn thành sẽ mang lại lợi ích đa chiều cho người dân nhiều tỉnh thành.

Dự án thủy lợi tầm cỡ

Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 (dự án Cái Lớn - Cái Bé) với tổng mức đầu tư 3.309,5 tỉ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách nhà nước. Dự án gồm hợp phần xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chiếm diện tích sử dụng đất khoảng 54,5 ha, các hợp phần mô hình sinh kế và những hoạt động phi công trình triển khai tại nhiều địa phương khác. Hệ thống công trình gồm cống Cái Lớn cách cầu Cái Lớn khoảng 2.100 m về phía sông Hậu, cống Cái Bé cách cầu Cái Bé chừng 1.900 m về phía sông Hậu, đê láng nhựa nối cống Cái Lớn, cống Cái Bé với quốc lộ 61 (dài 5.843 m, mặt rộng 9 m), trên tuyến đê còn có nhiều cầu giao thông, cống ngầm...
Dự án Cái Lớn - Cái Bé sẽ hoàn thành trước ngày 31.12.2021, có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha; kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp (do sụt lún đất); giảm thiệt hại hạn, mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng; góp phần cấp nước ngọt; phát triển hạ tầng giao thông...
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dự án Cái Lớn - Cái Bé nhằm kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh (Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu) thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé; góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô; phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán; góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn; kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án Cái Lớn - Cái Bé là kết quả của quá trình làm việc nghiêm túc, công phu với sự đóng góp trí tuệ của nhiều cơ quan, nhà khoa học. Hội đồng thẩm định gồm 21 cán bộ khoa học, nhà quản lý (thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến tài nguyên nước, môi trường, đa dạng sinh học…) đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, khách quan, khoa học. Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án Cái Lớn - Cái Bé đảm bảo sự chặt chẽ với những yêu cầu về bảo vệ môi trường và điều kiện kèm theo để làm cơ sở cho việc thực hiện các bước kế tiếp, đúng quy định pháp luật.
Phối cảnh dự án Cái Lớn - Cái Bé
Phối cảnh dự án Cái Lớn - Cái Bé Minh Điền

Dự án cần thiết

Theo GS-TSKH Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hội Khoa học và Kỹ thuật thủy lợi TP.HCM, dự án Cái Lớn - Cái Bé khi hoàn thành sẽ góp phần kiểm soát mặn, ngọt chủ động, giúp người dân nhiều tỉnh không chỉ có nước ngọt sinh hoạt về mùa khô mà còn góp phần ổn định sinh kế, nâng cao đời sống, có điều kiện chuyển đổi cây - con, xây dựng nền sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Dự án còn có thể chi viện nguồn nước ngọt cho vùng nuôi tôm khi cần, chủ động mở rộng vùng nuôi tôm vào nội địa khi có nhu cầu của chính người nông dân vùng hưởng lợi. Đặc biệt trước biến động bất thường của biến đổi khí hậu, dự án có một vai trò vô cùng quan trọng trong phòng chống thiên tai.
Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, dự án Cái Lớn - Cái Bé được triển khai là tiền đề xây dựng quy hoạch chung hệ thống thủy lợi ĐBSCL góp phần thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11.2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Vùng giáp nước thuộc tỉnh Hậu Giang sẽ được cải thiện nguồn nước, tạo điều kiện phát triển sản xuất nâng cao thu cập cho người dân trên địa bàn. Tỉnh Hậu Giang khẳng định việc đầu tư xây dựng dự án Cái Lớn - Cái Bé là rất cần thiết, cấp bách và sẽ có hiệu quả ngay khi hoàn thành công trình cho khu vực bán đảo Cà Mau, đặc biệt kiểm soát mặn từ xa trong điều kiện cực đoan cho tỉnh Hậu Giang.
PGS-TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nhấn mạnh bất cứ sự can thiệp nào vào tự nhiên đều có những tác động nhất định và nếu cái tích cực được nhiều hơn bất lợi thì phải ủng hộ. Giải pháp công trình đưa ra là nhằm hạn chế các tác động xấu, lợi dụng và phát huy các tác động tích cực để phát triển bền vững. Quan điểm của ĐH Cần Thơ là ủng hộ xây dựng dự án Cái Lớn- Cái Bé. ĐH Cần Thơ có rất nhiều chuyên gia giỏi, am hiểu về kỹ thuật, văn hóa, nhân văn, con người và môi trường ở khu vực, sẵn sàng đồng hành cùng Bộ NN-PTNT trong dự án này vì mục tiêu phát triển của vùng.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐBSCL là khu vực chịu tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu. Việc tập trung các nguồn lực của xã hội, của đất nước để xử lý, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Do vậy, Bộ NN-PTNT cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục, triển khai dự án Cái Lớn - Cái Bé để thực hiện kiểm soát mặn, giữ ngọt cho vùng, trên cơ sở thảo luận góp ý của các nhà khoa học, lắng nghe những kinh nghiệm trực tiếp của địa phương; đồng thời tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện dự án đảm bảo chặt chẽ, khoa học, tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và góp phần thực hiện Nghị quyết 120 một cách hiệu quả nhất.
GS-TS Trần Đình Hòa, Phó giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi VN, cho rằng dự án Cái Lớn - Cái Bé sau khi xây dựng, kết hợp với các công trình thủy lợi do T.Ư, địa phương đầu tư sẽ góp phần khép kín, chủ động được việc quản lý, khai thác nguồn nước cho vùng dự án. Dự án sẽ chủ động hỗ trợ kịp thời những mô hình sản xuất phù hợp với hệ sinh thái tự nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc tôn trọng những mô hình sản xuất hiện có, những hệ sinh thái tự nhiên kể cả trước mắt và lâu dài. Dự án nhằm góp phần ổn định sản xuất, khắc phục tình trạng bấp bênh do các tác động tự nhiên và nhân sinh gây ra; không có mục đích ngọt hóa, không nhằm tăng diện tích trồng lúa…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.