Hệ thống ngân hàng Trung Quốc lớn nhất thế giới

07/03/2017 16:59 GMT+7

Phân tích mới của tờ Financial Times cho thấy hệ thống ngân hàng Trung Quốc vừa vượt qua khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) để trở thành hệ thống nhà băng lớn nhất thế giới xét về mức tài sản.

Theo tờ báo kinh tế, GDP Trung Quốc vượt qua GDP Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2011 theo tỷ giá thị trường, song hệ thống ngân hàng quốc gia Đông Á không đứng vị trí đầu bảng cho đến năm nay. Việc này xảy ra là vì sự gia tăng bất thường trong cho vay kể từ năm 2008, khi chính phủ Trung Quốc tung gói kích thích tiền tệ và tài khóa mạnh để làm dịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.
“Kích thích khủng của hệ thống ngân hàng Trung Quốc ít để ăn mừng. Nó là dấu hiệu của một nền kinh tế quá phụ thuộc vào đầu tư từ tài trợ ngân hàng, vướng rắc rối với chuyện phân bổ nguồn lực đầu tư thiếu hiệu quả và gánh rủi ro tín dụng lớn”, nhà kinh tế Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell (Mỹ), người là cựu chuyên gia kinh tế Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết.
Thống kê cho thấy tài sản của hệ thống ngân hàng Đại lục đạt 33.000 tỉ USD tính đến cuối năm 2016, nhiều hơn so với mức tài sản 31.000 tỉ USD của eurozone. Tài sản của giới nhà băng Mỹ là 16.000 tỉ USD trong khi của Nhật Bản là 7.000 tỉ USD.
Giá trị của hệ thống nhà băng Trung Quốc gấp 3,1 lần tổng sản lượng kinh tế thường niên của nước này, gấp 2,8 lần tổng sản lượng kinh tế hằng năm của eurozone.
Giới chuyên gia kinh tế cho hay các biện pháp kích thích kinh tế gia tăng của Bắc Kinh dẫn đến nhiều khoản đầu tư lãng phí, dư thừa công suất công nghiệp và mức nợ cao nguy hiểm. Không như các thị trường phát triển, chính quyền địa phương Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào các khoản vay từ ngân hàng để tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng.
Dù Trung Quốc có ba ngân hàng lớn nhất thế giới, giới chuyên gia nhận định quy mô thực tế của các nhà băng Đại lục chưa được báo cáo đúng. Hoạt động ngân hàng ngầm đã và đang bùng nổ ở Trung Quốc trong bảy năm qua. Giới chức nước này vừa công bố chiến dịch đàn áp ngân hàng ngầm, thúc đẩy nhiều nỗ lực kiềm chế dòng chảy vốn và chống tham nhũng. Gần đây, họ phát tín hiệu chuyển trọng tâm chính sách từ kích thích kinh tế sang kiểm soát rủi ro.
Việc phát triển các thị trường vốn có thể giúp Đại lục đa dạng hóa hệ thống tài chính. Tuy vậy, một hệ thống tài chính đa dạng hơn sẽ làm giảm khả năng quản lý các dòng tiền của Bắc Kinh. Chuyên gia Prasad cho hay: “Cách tiếp cận nước đôi của chính phủ Trung Quốc đối với thị trường tài chính thường khiến thị trường thêm biến động, khiến nó hoạt động kém hiệu quả hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.