Hàng ngàn doanh nghiệp mỏi mòn chờ luật: Chưa sửa được phải tạm dừng

17/05/2019 06:12 GMT+7

Quy định bất cập trong Nghị định 20 được phân tích, mổ xẻ và thừa nhận nhưng đã qua 2 kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định này vẫn được áp dụng.

Hàng loạt công ty bị tác động bởi Nghị định 20 (NĐ 20) đang khốn khổ vì chiến lược phát triển, mở rộng quy mô đầu tư kinh doanh ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Bắn” trượt mục tiêu, trúng doanh nghiệp trong nước

Sáng qua 16.5, tại diễn đàn “Xu hướng đầu tư bất động sản 2019” do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, khá bức xúc khi nhắc đến quy định tại NĐ 20. Ông nói: “Chi phí tài chính chỉ được 20% so với tổng lợi nhuận thuần cộng khấu hao đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp (DN) đặc biệt các tập đoàn trong và ngoài nước. Nếu áp theo quy định này, mỗi năm DN phải nộp thêm mấy trăm tỉ cho ngân sách nhà nước. Nộp đúng thì không sao nhưng khoản này hoàn toàn không đúng. Các tập đoàn lớn đứng ra vay tiền, cho vay chỉ vay tập đoàn thôi, không cho vay công ty con. Có phải mục tiêu chống chuyển giá của chúng ta đang “bắn” trượt trúng ngay quân ta, toàn bắn trúng DN trong nước không?”.
Theo các DN, có 3 điểm bất cập khi áp khoản 3, điều 8 của NĐ 20. Đó là tính hợp pháp, có sự “vênh, trái ngược” khi áp dụng. Quy định khống chế chi phí được trừ đối với lãi vay không vượt quá 20% lợi nhuận trước chi phí lãi… là không có trong luật Thuế thu nhập DN (TNDN) và chưa phù hợp với luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Thứ hai, quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) từng nhấn mạnh các nước cần cân nhắc nhiều yếu tố khi thiết lập tỷ lệ khống chế lãi vay và chỉ hạn chế khấu trừ lãi vay thuần của công ty (tức là chi phí lãi vay vượt quá doanh thu hoạt động tài chính của một DN). Thứ ba, mục tiêu ban đầu của quy định trên là nhằm hạn chế chuyển giá của các công ty nước ngoài. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các DN VN.
Ông Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh, quy định mới ngoài luật DN này đang “thủ tiêu” động lực phát triển của DN, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho DN. “Trước khi chưa sửa được thì đề nghị tạm dừng. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần tại các hội thảo, qua các kênh truyền thông… nhiều chuyên gia đã phân tích là không hợp lý. Chính phủ giao Bộ Tài chính trả lời, Bộ lại giao Tổng cục Thuế thì đại ý vẫn từ từ xem xét. Không biết từ từ thế nào nhưng việc thu thuế không nên từ từ. Bởi DN rất sợ, nộp tiền vào rồi đố rút ra được”, ông Nam bức xúc.

Doanh nghiệp bị đánh thuế 2 lần

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nói thẳng việc áp trần chi phí lãi vay còn dẫn tới đánh thuế 2 lần lên DN. Cụ thể, luật sư Trần Xoa phân tích, do NĐ 20 quy định không rõ nên cơ quan thuế đã có những công văn hướng dẫn chủ yếu đưa toàn bộ tất cả chi phí lãi vay vào diện bị khống chế chứ không phân biệt vay của bên độc lập theo lãi suất thị trường, vay bằng hình thức trái phiếu, vay ngân hàng thương mại, hay vay của bên liên kết. Với mô hình tập đoàn, thường công ty mẹ đứng ra vay vốn rồi cho công ty con vay lại. Nếu khống chế chi phí lãi vay thì công ty mẹ cũng phải đóng thuế, công ty con cũng bị tính thuế trên khoản này. Hay nói cách khác thì DN đã bị đánh thuế 2 lần cho cùng một khoản vay. Trong khi theo ông Xoa, cùng hoạt động trên lãnh thổ VN, cùng chung một mức thuế suất thuế TNDN thì DN hoàn toàn không có ý tránh, né thuế bằng các nghiệp vụ vay và cho vay lại. Nên việc khống chế trần chi phí lãi vay gây thiệt hại và khó khăn rất lớn cho các DN.
Theo quy trình sửa đổi thì ban soạn thảo sẽ ban hành dự thảo để lấy ý kiến rồi trình Chính phủ ban hành NĐ sửa đổi bổ sung có hiệu lực... Tuy nhiên, Chính phủ hoàn toàn có thể làm ngay bằng cách ra công văn giải thích cho rõ nội dung khoản 3, điều 8 NĐ 20 để gỡ vướng cho DN không chỉ hiện tại mà còn có thể hồi tố lại hàng ngàn tỉ đồng họ đã đóng 2 năm qua. Vị luật sư này cũng đề xuất, công văn hướng dẫn chỉ khống chế chi phí lãi vay của bên liên kết; không khống chế chi phí lãi vay của bên độc lập, lãi vay bằng hình thức phát hành trái phiếu bán cho bên độc lập và lãi vay ngân hàng thương mại.
Đối với trường hợp công ty mẹ vay ngân hàng, vay bằng hình thức trái phiếu, vay của bên độc lập khác và cho công ty con vay lại thì chi phí lãi vay mà công ty con phải trả cho công ty mẹ được xem như lãi vay của bên độc lập, không đưa vào đối tượng bị khống chế. Trong trường hợp hai công ty là bên liên kết cùng hoạt động trên lãnh thổ VN, cùng áp dụng mức thuế suất thuế TNDN bằng nhau, mà bên cho vay đã kê khai thu nhập lãi cho vay vào thu nhập chịu thuế thì bên đi vay được kê khai toàn bộ khoản chi phí lãi vay tương ứng vào chi phí khi tính thuế TNDN, không đưa vào đối tượng bị khống chế…
Sửa chứ không nên điều chỉnh tăng tỷ lệ
Luật sư Trần Xoa nhận định: Quy định không phù hợp phải sửa ngay nhưng không nên điều chỉnh tăng tỷ lệ khống chế cao hơn 20% vì làm vậy cũng sai và không phù hợp với các quy định của luật DN. DN vẫn tiếp tục bị thiệt hại quyền lợi do quy định đánh không đúng đối tượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.