Hàng chục đại gia Việt có tên trong hồ sơ 'thiên đường thuế' Paradise

23/11/2017 07:01 GMT+7

Theo công bố mới đây của Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế trên trang offshoreleaks, tính đến ngày 22.11, trong 25.000 pháp nhân liên quan, VN có 99 pháp nhân, 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc dính líu tới các 'thiên đường thuế'.

Công bố trên có tên là hồ sơ Paradise, do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) cung cấp dần từ cuối tháng 10 vừa qua, dựa trên những thông tin mật được khai thác từ Công ty Appleby ở Bermuda chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp (DN) khắp thế giới.
Một số tên người Việt gắn với các công ty nước ngoài trong hồ sơ Paradise
“không biết nói thế nào”
Theo ICIJ, trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các “thiên đường thuế” liên quan VN, có 14 DN đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook. Virgin, Bahamas và Panama, đều là những nơi được mệnh danh là “thiên đường thuế” của thế giới, bởi mức thuế ở đây rất ưu đãi và việc thành lập DN tương đối dễ dàng.
Trong danh sách này, đa số là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Vietnam Paiho Ltd., Sheraton Sài Gòn, Quỹ đầu tư Vietnam Equity Holding do Công ty quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM) quản lý, Quỹ đầu tư Vietnam Asset Management Ltd, Quỹ đầu tư Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) do Dragon Capital quản lý, Newmont Vietnam Pty Ltd… Một số công ty gắn với một số địa danh của VN như Phú Quốc, Hội An… song những công ty này được coi là “công ty bình phong” do trụ sở đều đặt tại quần đảo British Virgin hay Cayman.
Về cá nhân, ngoài một số tên có vẻ “thuần Việt” như Huynh Phong Thanh, Quang Hien Vu, Ninh Nguyen Quang, Cong Giang Bui, Khanh Luu, Quang Luu…, đa số đại diện cho các công ty nước ngoài, có một số tên quen thuộc trên thị trường đầu tư tài chính như Don Lam (đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital), Nguyen Louis T. (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ đầu tư SAM) hay ông Dominic Tymothy Charles (Tổng giám đốc Dragon Capital).
Thuộc nhóm DN có tên trong danh sách Paradise, đại diện một công ty liên doanh (pháp nhân có trong hồ sơ Paradise) có địa chỉ đặt tại một khu công nghiệp phía nam cho rằng, việc tên công ty có trong danh sách công bố không có nghĩa là họ liên quan đến các hoạt động làm ăn phi pháp. “Chúng tôi có nghe đến danh sách này và thật sự không quan tâm bởi đây là thông tin thiếu cơ sở”, đại diện DN này nói.
Tương tự, đại diện Vinacapital cho rằng công bố của hồ sơ Paradise chỉ là thông tin một chiều, không có tiêu chí nào để đánh giá nên có thể nói, ngay nhân vật được nêu tên trong danh sách đó cũng không hiểu tại sao có tên. Hơn nữa, Vinacapital có lịch sử lâu đời, hoạt động tại VN quy củ, tuân thủ pháp luật và là thương hiệu đầu tư được đánh giá tốt. Thế nên, để đưa ra một ý kiến cho hồ sơ Paradise này là “không biết nói thế nào”.
Là cơ sở quan trọng cho quản lý thuế
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: việc các DN FDI đăng ký thành lập ở những đảo quốc “thiên đường thuế” không còn hiếm hay xa lạ tại VN. Tuy nhiên, việc có tên trong hồ sơ Panama năm 2016 hay Paradise hiện nay cũng là cơ sở để phía VN nên kiểm tra kỹ hơn hoạt động thực tế của các DN và cá nhân tại VN như thế nào. Bởi chỉ cần mất vài USD là có thể đăng ký thành lập công ty ở các thiên đường thuế nói trên. Thậm chí tài sản, lợi nhuận đầu tư ở VN chuyển sang cũng hầu như không bị đánh thuế mà chỉ bị thu một mức phí cố định hằng năm rất ít.
Trong hồ sơ Panama và Paradise, theo luật sư Trần Xoa, có rất nhiều công ty vỏ bọc, công ty bình phong, tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, đặc biệt tại các nơi được gọi là thiên đường thuế nói trên, nên đây là kẽ hở mà quản lý thuế chưa bịt được.
“Tôi nghĩ từ hồ sơ Panama 2016, cơ quan thuế cũng biết những hành động cố ý né thuế, trốn thuế của nhiều DN nước ngoài đang hoạt động tại VN. Những hoạt động đó cũng có thể liên quan đến câu chuyện chuyển giá của DN FDI mà chúng ta đang đặt ra như chuyển giá, trốn thuế, giả thua lỗ… Tuy nhiên khó để phát hiện ra các chiêu trò của những DN cố tình né thuế nhưng đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành thuế tham khảo và đối chiếu trong quá trình thanh kiểm tra, rà soát hoạt động của các DN tại VN”, luật sư Trần Xoa gợi ý.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng các cá nhân và DN luôn tìm cách né thuế, tìm đến những nơi nộp thuế ít là chuyện dễ hiểu trong kinh doanh. Các DN nước ngoài, những tổ chức tài chính quốc tế có nhiều thuận lợi trong việc đăng ký hoạt động ở bất kỳ nơi đâu và VN không thể quản lý được.
“Quan trọng nhất là trên những thông tin có thể được xem là nguồn tham khảo quan trọng đó, cơ quan thuế của VN có điều tra ra được những hoạt động phi pháp hay không? Từ đó, phía VN cũng cần xem xét lại mọi khung pháp lý có liên quan để ngăn chặn những kẽ hở mà các DN nước ngoài có thể áp dụng để né thuế. Trong khi các DN trong nước bị quản lý chặt chẽ nên sẽ cảm thấy bị thiệt thòi hơn”, TS Lê Đăng Doanh nói.
Trước đó, năm 2016, ICIJ từng công bố dữ liệu của hơn 300.000 cá nhân và công ty liên quan tới hồ sơ Panama, trong đó có danh tính 189 cá nhân, tổ chức liên quan đến VN. Năm 2016, hồ sơ này xuất hiện những “đại gia Việt” như ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPP), bà Đàm Bích Thủy (nguyên Giám đốc Ngân hàng ANZ), ông  Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch SSI)… Tuy nhiên, các “đại gia” này sau đó đều lên tiếng họ không liên quan đến hoạt động làm ăn phi pháp nào, chỉ đầu tư ra nước ngoài thông thường như các nhà đầu tư khác. Các thông tin được công bố trên hồ sơ Panama năm ngoái rồi cũng chìm dần khi cơ quan chức năng không tìm được bất kỳ thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.