Hàn Quốc quan trọng như thế nào với ngành điện tử toàn cầu?

07/09/2017 20:17 GMT+7

Vai trò của Hàn Quốc đối với ngành điện tử toàn cầu đang trở nên nổi bật hơn bao giờ hết khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.

Theo CNBC, ông Kim Soo-kyoum, giám đốc chương trình nghiên cứu bán dẫn tại công ty nghiên cứu IDC, hồi tuần trước cho biết Hàn Quốc chiếm tới 17% thị trường bán dẫn toàn cầu và 64% thị trường chip nhớ.
“Nếu Hàn Quốc bị tấn công bằng tên lửa, nguồn cung cấp chip quan trọng nhất sẽ bị ngừng lại ngay lập tức và tất cả sản xuất điện tử cũng sẽ dừng lại, gây ra sự gián đoạn tiềm ẩn đối với chuỗi cung ứng công nghệ”, ông Kim Soo-kyoum nói.
Trong một báo cáo vào tháng 5.2017, công ty nghiên cứu, tư vấn thị trường Capital Economics ghi nhận rằng Hàn Quốc là nhà sản xuất màn hình tinh thể lỏng lớn nhất thế giới với 40% thị phần. Nước này còn đứng thứ tư toàn cầu về giá trị gia tăng của các sản phẩm điện tử.
“Nếu ngành sản xuất điện tử của Hàn Quốc bị thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên thì tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới sẽ kéo dài trong một thời gian khá dài, trung bình phải mất khoảng hai năm để xây dựng một nhà máy bán dẫn. Với vai trò chủ chốt trong việc sản xuất các sản phẩm trung gian, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, nếu Hàn Quốc gặp vấn đề gì thì thế giới sẽ không có đủ công suất dự phòng để ngay lập tức bù đắp cho sản lượng bị mất”, hai nhà kinh tế học Gareth Leather và Krystal Tan của Capital Business cho biết.
Song, không chỉ phải đối phó với một cuộc xung đột tiềm ẩn với Bình Nhưỡng, Seoul giờ đây còn đang vướng phải những tranh luận thương mại với Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi nỗ lực chống lại các hành vi đe dọa hạt nhân của Triều Tiên cũng không quên lên tiếng lo ngại về Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn Quốc (KORUS).
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4.2017 với tờ Washington Post, Tổng thống Trump gọi KORUS là “hợp đồng khủng khiếp” và đe dọa sẽ chấm dứt nó. Các nhà phân tích tại hãng tài chính Citi cho biết trong một lưu ý hôm 4.9 rằng chính quyền Trump có thể sẽ sớm rút khỏi KORUS trong vài tuần tới. Tuy nhiên, theo Citi động thái này có thể không ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ.
Một nghiên cứu của Viện Hàn Quốc về Kinh tế và Thương mại Công nghiệp chỉ ra rằng, thuế quan hiệu quả đối với hàng sản xuất của Hàn Quốc thậm chí có thể còn thấp hơn nếu không có KORUS. Nhưng điều quan trọng là việc rút khỏi KORUS sẽ tạo “nguy cơ về mặt chiến lược làm xói mòn liên minh Hàn - Mỹ và ảnh hưởng chung của Mỹ ở Đông Á vào thời điểm Trung Quốc đang cố gắng mở rộng nền kinh tế của mình”, theo Citi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.