Hải Phòng: Ùn tắc khi đóng phí cơ sở hạ tầng cảng biển

Lê Tân
Lê Tân
24/05/2021 09:11 GMT+7

Thời gian gần đây, việc đóng phí hạ tầng cảng biển ở Hải Phòng gặp khó khăn vì việc nộp trực tuyến thường xuyên bị lỗi, trong khi điểm nộp tiền trực tiếp ùn tắc vì quá tải.

Một ngày trung tuần tháng 5, tại điểm đóng phí hạ tầng cảng biển ở khách sạn Duyên Hải (Hải Phòng), hàng chục người xếp hàng dài đợi chờ để đến lượt đóng phí hạ tầng cảng biển.
Trước đó, cả 3 điểm thu phí hạ tầng, cảng biển của Hải Phòng là khách sạn Duyên Hải, tòa nhà Thắng Lợi (đường Lê Thánh Tông) và cảng Đình Vũ, thường xuyên có hàng trăm người xếp hàng nhiều giờ để nộp phí.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, hàng chục người từ quầy nộp tiền trên tầng 2 tòa nhà Thắng Lợi thường kéo xuống tận tầng 1. Chia sẻ với Thanh Niên, anh N. (một người đến nộp phí) nói: “Tình trạng ùn tắc xảy ra lâu rồi. Tuần nào cũng diễn ra vài ngày, mất thời gian lắm. Có hôm chúng tôi đứng xếp hàng cả tiếng, đến lượt thì hết giờ”.
Theo anh N.V.T (giám đốc một công ty về dịch vụ logistic ở Hải Phòng): “Nếu không có chứng từ chứng minh đã đóng phí hạ tầng cảng biển, hàng hóa sẽ không được ra khỏi cảng. Việc ùn tắc khi đóng phí nhiều lần khiến chúng tôi phải thay đổi kế hoạch giao hàng, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, thiệt hại về tài chính”.
Cuối năm 2016, HĐND TP.Hải Phòng đã ra nghị quyết về việc thu phí hạ tầng cảng biển. Ngày 1.1.2017, UBND TP.Hải Phòng quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Ban đầu, TP.Hải Phòng giao UBND Q.Hải An tổ chức thu với 11 điểm thu phí.
Đến 1.12.2019, việc thu phí được chuyển về Sở Tài chính. Ngày 16.3, Sở Tài chính đóng cửa 5 điểm thu phí và đến ngày 31.3, 6 điểm còn lại được tạm dừng để để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đến ngày 4.4.2020, UBND TP.Hải Phòng chỉ đạo mở lại 3 điểm thu phí.
Bên cạnh đó, từ tháng 4.2020, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan… phải nộp phí sử dụng hạ tầng cảng biển Hải Phòng qua cổng thanh toán điện tử Hải quan (thanh toán 24/7) tại Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Quân đội. Trường hợp chưa nộp qua cổng thanh toán 24/7 thì nộp bằng chuyển khoản hoặc trực tiếp tại 21 quầy thu của Ngân hàng Công thương và Vietcombank tại Hải Phòng.
Trên thực tế, các doanh nghiệp và người trực tiếp nộp phí cho biết, cổng thanh toán 24/7 thường xuyên bị lỗi hoặc quá tải, khiến việc nộp phí trực tuyến không thực hiện được. “Khi nộp phí trực tuyến không được thì mọi người lại đổ về các điểm nộp trực tiếp, gây ùn tắc. Thời còn 11 điểm thu phí do Q.Hải An phụ trách thì không xảy ra điều này. Khi đó, việc nộp phí rất nhanh, cán bộ nhiệt tình, quá giờ vẫn làm. Bây giờ thì các điểm thu phí cứ hết giờ hành chính là nghỉ”, chị Ng., một người làm dịch vụ logistic, nói.
Nhiều người cũng tỏ ra lo lắng về nguy cơ lây lan dịch Covid-19 mỗi khi tập trung tại các điểm thu phí. “Chúng tôi mong có nhiều điểm đóng phí như trước đây, hoặc cơ quan chức năng nâng cấp hệ thống đóng trực tuyến”, chị Ng. đề nghị.
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, một lãnh đạo Sở Tài chính TP.Hải Phòng thừa nhận có tình trạng ùn ứ tại các điểm nộp phí. “Ngày nào có lượng hồ sơ dồn quá nhiều thì hệ thống trực tuyến bị lỗi. Điều này cũng gây ra ùn tắc tại các điểm thu phí. Chúng tôi đang tiến hành nâng cấp hệ thống. Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ thực hiện thu phí trực tuyến hoàn toàn. Dự kiến khoảng tháng 6 sẽ triển khai”, vị này nói.
Được biết, Hải Phòng là địa phương đầu tiên triển khai thu phí hạ tầng cảng biển. Nhờ đó, mỗi năm địa phương này thu được khoảng hơn 1.000 tỉ đồng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.