Hai bộ bất đồng về kế hoạch chi thường xuyên

26/05/2016 06:52 GMT+7

Việc xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 cần phải rà soát chặt chẽ, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, theo đúng định mức quy định.

Góp ý cho dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017, phần dự toán chi thường xuyên Bộ Tài chính cho rằng chi quản lý hành chính của các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và đơn vị địa phương nên theo hướng “giảm dần” theo lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Thế nhưng, theo Bộ KH-ĐT, lộ trình tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính đã được Chính phủ cụ thể hóa. Do đó, dự toán chi thường xuyên cần kiên quyết cắt giảm theo lộ trình với tinh thần “giảm dự toán” chứ không nên “giảm dần” như quan điểm của Bộ Tài chính.
“Việc xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2017 cần phải rà soát chặt chẽ, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, theo đúng định mức quy định. Không xây dựng dự toán chi thường xuyên quá cao như các năm trước, sau đó lại yêu cầu các cấp, ngành tiết kiệm 10% chi thường xuyên, làm mất kỷ cương, kỷ luật trong việc dự toán chi ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng KH-ĐT bày tỏ trong báo cáo gửi Thủ tướng.
Tương tự, câu chuyện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương năm tới cũng là vấn đề còn bất đồng giữa hai bộ này. Theo Bộ Tài chính, cơ chế này tiếp tục tương tự như các năm trước là từ nguồn 10% tiết kiệm chi thường xuyên, 50% tăng thu ngân sách địa phương và đặc biệt là “hỗ trợ từ ngân sách T.Ư trong trường hợp đã sử dụng hết các nguồn trên nhưng không đủ”. Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT phản bác: “Việc quy định T.Ư hỗ trợ để tạo nguồn cải cách tiền lương sẽ không khuyến khích bộ, ngành, địa phương tiết kiệm chi tiêu, xây dựng dự toán chi không sát”.
Bộ KH-ĐT dẫn chứng, thực tế trong các năm qua, địa phương thường xây dựng dự toán thu ngân sách không sát, thường xuyên báo cáo không đủ các nhiệm vụ thường xuyên phát sinh, dẫn đến T.Ư hỗ trợ kinh phí chi cải cách tiền lương cho địa phương rất lớn. “Nhưng sau đó địa phương vượt thu lớn, lại không có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí này cho cải cách tiền lương và lại đi báo cáo Chính phủ cho điều chuyển sang nhiệm vụ khác đã làm mất kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nguồn ngân sách nhà nước”, Bộ KH-ĐT cảnh báo và đề nghị Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành, địa phương xác định đúng số biên chế, định mức chi tiêu và xây dựng dự toán đúng yêu cầu thực tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.