Hà Nội sắp hết chỗ đổ rác: Ì ạch các dự án xử lý rác

19/04/2011 00:14 GMT+7

Thực ra, ngay từ năm 2009, Hà Nội đã nhìn thấy nguy cơ hết chỗ đổ rác và đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc mở rộng các bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn, xây dựng các nhà máy (NM) chế biến rác. Tuy nhiên, công việc triển khai vẫn đang rất ì ạch.

 

Chỗ đổ rác đang là vấn đề cấp thiết của Hà Nội ảnh: minh sang

90% rác được xử lý bằng... chôn lấp

Theo các chuyên gia về môi trường, đầu tư xây dựng 1 ô chôn lấp rộng 5 ha phải mất khoảng 5 tỉ đồng, chưa kể trung bình mỗi ngày phải xử lý 1.000m3 nước rác. Để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn nước tại các khu vực dân cư đòi hỏi quy trình kỹ thuật phải rất cẩn thận. Việc  Hà Nội tiếp tục mở rộng diện tích chôn lấp rác vừa gây lãng phí tài nguyên, vừa tốn kém công thu gom, vận chuyển, diện tích chôn lấp.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 bãi rác quy mô lớn là Nam Sơn (đặt tại H.Sóc Sơn) và Xuân Sơn (đặt tại TP Sơn Tây) cùng một số bãi rác nhỏ như: Hữu Bằng, Núi Thoong, Tả Thanh Oai, Kiêu Kỵ… Ngoài ra, TP cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 NM chế biến rác thải Cầu Diễn và Seraphin Sơn Tây. Trong đó, khoảng 5.500 tấn trong tổng số khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt thu gom trên địa bàn TP mỗi ngày “chảy” về bãi rác Nam Sơn. Bãi rác Xuân Sơn đảm trách việc chôn lấp rác thải thu gom từ TP Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Ba Vì và Q.Hà Đông. Rác thải tại Chương Mỹ tập kết về bãi Núi Thoong, tại Gia Lâm được đưa về bãi Kiêu Kỵ…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty môi trường (MT) đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, 90% rác thải sinh hoạt của Hà Nội đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp, số còn lại tập kết về NM tái chế ở Cầu Diễn để chế biến thành phân hữu cơ vi sinh. “Sở dĩ tỷ lệ chôn lấp vẫn chiếm chủ yếu là do lượng rác thải hữu cơ rất ít ỏi. Nguồn rác này được thu gom được từ các địa bàn thí điểm trong dự án (DA) phân loại rác tại nguồn do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và rác tại các chợ”, ông Hòa nói.

Mới đây JICA Việt Nam cũng đưa cảnh báo, đến năm 2012, các bãi rác ở Hà Nội sẽ bị lấp đầy, không còn năng lực để xử lý. Nếu không có những biện pháp kịp thời người dân Hà Nội sẽ không còn chỗ đổ rác. Một chuyên gia trong lĩnh vực MT tính toán, chỉ cần các bãi rác đóng cửa, sau 3 ngày, cả Hà Nội sẽ ngập ngụa vì rác.

Ông Hòa xác nhận, thời điểm này bãi rác Nam Sơn, bãi rác thải lớn nhất TP, gánh gần như toàn bộ rác của các quận nội thành đã kín chỗ và gần như chắc chắn vào năm 2012 sẽ bị lấp đầy hoàn toàn, không còn khả năng tiếp nhận rác để xử lý.

Ông Hòa cho biết: “Không còn chỗ chôn lấp rác, chúng tôi phải tiến hành hạ cốt nền và chất rác cao lên để vận hành bãi rác nhằm duy trì việc tiếp nhận rác thải của TP”. Trong khi bãi rác Nam Sơn gần hết chỗ chôn lấp, thì khả năng “chia lửa” từ các bãi rác khác trên địa bàn là rất ít nếu không muốn nói là không có. Theo ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ MT Hà Nội, bãi rác Xuân Sơn cũng đang trong cảnh hết quỹ đất chôn lấp, bãi rác Núi Thoong thì đã dừng hoạt động do gặp sự cố và phục vụ quá trình xây dựng một NM xử lý rác trong khi các bãi rác Kiêu Kỵ, Tả Thanh Oai… chỉ gánh được lượng rác tại các tiểu khu vực vùng ngoại thành mà thôi.

Đụng đâu cũng khó

Tại khu vực dự kiến mở rộng bãi rác Nam Sơn, trong khi các hộ dân nằm trong khu vực được lựa chọn để xây dựng, mở rộng (thuộc xã Nam Sơn, Hồng Kỳ, Bắc Sơn) còn chưa chịu di dời thì cũng cách đó không xa, gần 100 hộ dân sinh sống tại hai xóm 19 và 20 thuộc thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn, nơi chỉ cách các ô chôn rác số 8, 7, 6 của Khu liên hợp chất thải Nam Sơn vài chục mét, lại đang khẩn thiết xin được chính quyền sử dụng toàn bộ 60 ha đất của hai xóm cho việc mở rộng bãi rác. Ông Vũ Tuấn Lực, Trưởng thôn Xuân Thịnh, cho hay, từ nhiều năm nay, gần 100 hộ dân thôn ông đã nhiều lần làm đơn kiến nghị xin nhường lại đất để mở rộng bãi rác, và được chuyển đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, cấp lãnh đạo chỉ đồng ý đền bù tiền công trình di chuyển, nhưng không đền bù tiền đất, cũng như cấp đất nơi ở mới. 

Hà An

Ông Phạm Văn Khánh, Phó giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, DA mở rộng bãi rác Xuân Sơn và Nam Sơn đã được phê duyệt, đang trong quá trình triển khai thực hiện, dự kiến trong năm 2012 sẽ có thể tiếp nhận một lượng rác nhất định. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên, ông Hà Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch, BQL DA hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, DA giai đoạn 2 bãi rác Nam Sơn đã được phê duyệt với diện tích 140 ha nhưng đến thời điểm này vẫn đang trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện DA vẫn đang trong quá trình nghiên cứu đánh giá về tác động MT; các nhà khoa học đang nghiên cứu để đóng góp ý kiến trên cơ sở tài liệu của BQL DA hạ tầng đô thị gửi đến. DA mở rộng bãi rác Xuân Sơn thêm 13 ha nữa cũng chưa hoàn thành, trong khi theo xác nhận của ông Khánh, DA xây dựng bãi rác Đồng Ké rộng 24 ha đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

DA xây dựng NM xử lý rác thải lớn nhất VN tại Nam Sơn do Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC) làm chủ đầu tư theo mô hình BOT cũng đang gặp không ít khó khăn. DA đã được khởi công từ tháng 9 năm ngoái với tổng vốn đầu tư lên tới 140 triệu USD, dự kiến cuối năm nay sẽ đi vào vận hành với công suất 2.000 tấn rác/ngày đêm. Mục tiêu là sản xuất chế biến 90% rác thành sản phẩm như: phân compost, các vật liệu tái chế sử dụng được, vật liệu san lấp. 10% phần phế thải sau xử lý sẽ đem đi chôn lấp. Tuy nhiên, đến nay đã hơn nửa năm trôi qua, DA vẫn chưa khởi động vì mãi đến ngày 4.4 vừa qua, công ty mới được giao mặt bằng. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc AIC cho biết, cuối tháng 5, đầu tháng 6 này mới có thể tiến hành xây dựng và phải mất gần 1 năm nữa, NM mới có thể đi vào chạy thử nghiệm.

Thu Hằng - Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.