Hà Nội giải trình 'buýt nhanh BRT đội giá'

08/03/2017 16:10 GMT+7

Chủ đầu tư dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội cho rằng xe buýt nhanh đắt hơn xe cùng chủng loại do được thiết kế đặc thù riêng và việc hủy gói thầu với liên danh quốc tế do bên nhà thầu.

Trước đó, theo phản ánh trên báo chí, đoàn xe buýt nhanh BRT 35 chiếc của Hà Nội lần thứ nhất, đấu thầu quốc tế, trúng thầu là Liên danh Openasia Equipment Limited - Volvo Bus với giá hơn 11,65 triệu USD cho đoàn 35 xe. Tuy nhiên, đàm phán hợp đồng thầu này đã thất bại.
Lần 2, đấu thầu trong nước, vào ngày 5.11.2014, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục ra Quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu cũng gói 04/BRT-TB (BRTCP08): đoàn xe BRT, giai đoạn 1, với giá trị gói thầu được nâng lên gần 12,34 triệu USD, tức là cao hơn gần 700.000 USD so giá trúng thầu của lần đấu thầu quốc tế một tháng trước đó.
Lần này, Liên danh Công ty CP Thiên Thành An và Công ty CP ô tô Trường Hải (THACO) trúng thầu. Quy đổi theo tỷ giá thời điểm đó, giá trị trúng thầu của liên danh này là hơn 176,290 tỉ đồng.
Liên quan đến những thông tin nói trên, chiều nay, 8.3, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội - chủ đầu tư dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội - hợp phần buýt nhanh - đã báo cáo UBND TP Hà Nội về vấn đề này.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án, đấu thầu lần 1 không thực hiện được do việc thương thảo, đàm phán hợp đồng với nhà thầu liên danh không thành công, vì vậy, Sở GTVT đã ban hành Quyết định số 329/QĐ-SGTVT ngày 18.3.2015 hủy đấu thầu.
Lý do cơ bản của việc đàm phán, thương thảo hợp đồng không thành công là do nhà thầu đã đưa ra các điều kiện làm thay đổi các điều kiện chung đã quy định trong hồ sơ mời thầu và không chấp nhận yêu cầu của bên mời thầu (nhằm tránh các rủi ro cho phía mời thầu) về điều khoản tạm ứng, thanh toán hợp đồng, đồng thời không chấp nhận thực hiện gia hạn hiệu lực của hồ sơ dự thầu cũng như gia hạn bảo lãnh dự thầu tương ứng theo yêu cầu của bên mời thầu.
Sau khi hủy thầu và được sự thống nhất của WB, Ban QLDA đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội (cũ) thuộc Sở GTVT triển khai công tác đấu thầu lại theo đúng các quy định và đã được Sở GTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu với giá trị trúng thầu là 176,29 tỉ đồng (tương đương 7,9 triệu USD).
Trong đó, đã bao gồm chi phí vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ; chi phí kiểm tra xe và thuế. Nhà thầu trúng thầu là Liên danh công ty cổ phần Thiên Thành An và Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO). Thời gian giữa lần đấu thầu thứ nhất và thứ 2 cách nhau khoảng 8 tháng, không phải 1 tháng như phản ánh của báo chí.
Về thông tin về giá trị gói thầu phê duyệt điều chỉnh gần 12,35 triệu USD, Ban này cho rằng, đây là giá trị dự toán (không phải giá trúng thầu) đã được cập nhật bổ sung thêm các chi phí trong nước cho các loại thuế, phí và lệ phí cũng như chi phí dự phòng theo quy định và một số khoản chi phí trong dự toán này sẽ không tính trong giá gói thầu để xét thầu.
Đặc biệt, thông tin cho rằng giá xe BRT do nhà thầu THACO cung cấp theo quyết định phê duyệt trúng thầu khoảng 5,03 tỉ/xe, chênh cao hơn so với giá xe cùng chủng loại trên thị trường. Nhưng theo lý giải của Ban Quản lý dự án, xe buýt BRT có thiết kế riêng với sàn xe cao và cửa mở bên trái (khác xe buýt thông thường) với sức chứa 90 hành khách và có hệ thống đóng mở cửa tự động khi tiếp cận cửa nhà chờ, xe buýt BRT được thiết kế với các đặc tính, thông số kỹ thuật cao như: động cơ Hino của Nhật Bản; hộp số tự động 6 cấp của Cộng hòa Liên Bang Đức; hệ thống treo khí nén, kết hợp với hệ thống điều khiển nâng hạ sàn tự động của Cộng hòa Liên bang Đức; hệ thống điều khiển bậc tự động tiếp cận thuận lợi với bậc nhà chờ; chế độ bảo hành kéo dài hơn và xe được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế.
Xe buýt nhanh thành chậm
Sau nhiều năm chậm tiến độ, dự án xe buýt nhanh trị giá hơn 1.200 tỉ đồng của Hà Nội chuẩn bị vận hành vào 31.12 tới, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi về hiệu quả dự án, cũng như bài học về quy hoạch, kết nối cho các tuyến xe buýt nhanh khác trong tương lai.
Để đảm bảo cho việc vận hành đoàn xe BRT được thuận lợi, sau khi thống nhất với WB và được UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép bổ sung thêm các hạng mục vào gói thầu đoàn xe với kinh phí khoảng 17,7 tỉ đồng.
Các hạng mục bổ sung này đã được Sở GTVT phê duyệt thiết kế, dự toán và được triển khai lắp đặt trên xe và tại các nhà chờ đảm bảo đưa xe BRT vào vận hành đồng bộ. Hiện tại toàn bộ gói thầu đoàn xe chưa được quyết toán.
Theo chủ đầu tư, dự án cũng đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán toàn diện và hiện nay Ban QLDA, Sở GTVT đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện công tác tổ chức giao thông để vận hành tuyến BRT một cách hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.