Hà Nội 'đội sổ' chất lượng không khí

14/12/2019 07:46 GMT+7

Thủ đô Hà Nội những ngày qua liên tục ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức cực kỳ nguy hại, dẫn đầu danh sách những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới .

“Vươn” lên đầu danh sách ô nhiễm

Liên tục gần 1 tuần qua, chỉ số không khí (chỉ số AQI) mà ứng dụng Air Visual đo được tại 2 TP lớn nhất cả nước luôn ở ngưỡng từ xấu đến cực kỳ nguy hại, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
Đúng 6 giờ ngày 12.12, ứng dụng Air Visual ghi nhận mức chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lên tới ngưỡng 246 - mức màu tím (mức nguy hại cho sức khỏe con người). Với mức tăng cao kỷ lục này, Hà Nội đứng thứ 3 trong danh sách 10 TP có chỉ số ô nhiễm cao nhất toàn cầu.
Theo Air Visual, lúc 6 giờ 15 ngày 13.12 chất lượng không khí tại Hà Nội bị cho là có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu  Đồ họa: Đông Xuân - Trần Hữu

Theo Air Visual, lúc 6 giờ 15 ngày 13.12 chất lượng không khí tại Hà Nội bị cho là có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu

Đồ họa: Đông Xuân - Trần Hữu

Đáng nói, “kỷ lục” mới xác lập được 1 ngày thì vào 6 giờ 15 hôm qua (13.12), chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu - cực nguy hại. Với AQI = 361, Hà Nội đã vượt qua Dhaka (Bangladesh) và Sarajevo (Bosnia Herzegovina), trở thành TP có mức độ ô nhiễm cao nhất toàn cầu, theo bảng xếp hạng của Air Visual. Lúc này, chỉ số AQI tại TP.HCM cũng khá cao - 166 - ở mức màu đỏ, có hại cho sức khỏe.
Hơn 7 giờ, khi mặt trời bắt đầu lên cao, xua tan mây mù, chất lượng không khí tại cả 2 TP có phần cải thiện. TP.HCM đã chuyển về AQI nhóm màu cam - không tốt cho nhóm người nhạy cảm. Hà Nội có dấu hiệu giảm, nhưng AQI vẫn ghi nhận là 322, chưa “thoát” được nhóm màu nâu. Phải tới gần 7 giờ 30, chỉ số này mới hạ xuống 290 - màu tím. Hà Nội nhường “ngôi” cho Dhaka, chuyển xuống vị trí thứ 2 trong danh sách 10 TP ô nhiễm không khí nhất toàn cầu.
Trên Cổng giao tiếp điện tử (UBND TP.Hà Nội) lúc này, chỉ số chất lượng không khí vẫn thể hiện màu tím ở hầu hết điểm quan trắc. Chỉ số chất lượng không khí trung bình lên tới mức 256, trong đó khu Tây Tựu cao nhất - 261, Phạm Văn Đồng - 251, các điểm còn lại đều ở mức xấu.

Chưa chỉ đích danh “thủ phạm” chính

Trả lời Thanh Niên, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho rằng tác nhân gây ô nhiễm không khí ở TP.Hà Nội chủ yếu đến từ các nguồn thải nhân tạo từ hoạt động giao thông, dân sinh, xây dựng, công nghiệp... diễn ra thường xuyên nên lượng phát thải mang tính liên tục. Trong đó, hoạt động giao thông, xây dựng là những tác nhân tạo ra lượng bụi mịn lớn. Chưa kể, tình trạng người dân ở miền Bắc có thói quen đốt phế phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, góp phần gia tăng lượng bụi mịn PM2.5 trong không khí.
Lý giải rõ hơn, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho biết chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và khí hậu, vì trong khi lượng phát thải bụi gây ô nhiễm từ các nguồn kể trên vẫn duy trì đều nếu thời tiết có nhiều nắng, gió thì bụi mịn được phát tán trên phạm vi rộng.
Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, đầu đông, không khí khô hơn, cùng với hiện tượng nghịch nhiệt làm tích tụ, gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào thời gian sáng sớm, là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp. Khi có ánh sáng mặt trời đốt nóng lớp không khí gần mặt đất, không còn hiện tượng nghịch nhiệt, bụi mịn PM2.5 được phát tán, chất lượng không khí được cải thiện hơn.
“Xem xét lượng mưa ở thời điểm giao mùa cuối thu đầu đông từ năm 2013 - 2019 ở khu vực Hà Nội cho thấy năm nay có lượng mưa thấp nhất. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nồng độ bụi trong không khí của Hà Nội cao đột biến”, vị này nói.
Tuy nhiên, lý giải của cơ quan quản lý chưa chỉ rõ “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là gì, chiếm bao nhiêu phần trăm nguồn phát thải... Không xác định được cụ thể mức độ đóng góp gây ô nhiễm của từng nguồn phát thải, sẽ không thể có giải pháp triệt để xử lý.
Ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty D&L - đơn vị vận hành, quản lý hệ thống quan trắc không khí PAM Air, cho rằng: Giải pháp đồng bộ mang tính chiến lược để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều nơi khác đều phải chú trọng đến việc tìm nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí, từ đó vận động ý thức xã hội và hành động.
“Cần có nghiên cứu tổng thể để xác định rõ tỷ lệ gây ô nhiễm từ các nguồn phát thải. Phải định lượng nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí từ giao thông là bao nhiều phần trăm? Từ xây dựng bao nhiêu phần trăm? Hoạt động công nghiệp bao nhiêu phần trăm?... Đánh giá được chính xác thì sẽ có giải pháp giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí. Mà muốn đánh giá được chính xác hơn thì cần gia tăng điểm quan trắc chất lượng không khí. Ở Hà Nội, hiện mới có khoảng gần 100 điểm quan trắc nhưng theo tôi, phải cần 200 - 300 điểm cả nội thành và ngoại thành mới cơ bản đáp ứng được”, ông Dũng đề xuất.

Phải hạn chế xe máy

Trong khi Hà Nội còn đang loay hoay định lượng nguyên nhân nguồn phát thải thì tại TP.HCM, xe máy đã được xác định là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí nặng nề.
GS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: Theo kết quả khảo sát, đo đạc các nguồn phát thải do Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí thực hiện, ô nhiễm không khí tại TP.HCM đến từ 3 nguồn chính: Nguồn giao thông chiếm khoảng 50%, nguồn diện (hoạt động từ các hộ gia đình, nhà hàng, quán ăn, nông nghiệp, công trình xây dựng...) chiếm khoảng 30%, còn lại là nguồn điểm (hoạt động công nghiệp, bệnh viện, khách sạn). Đáng chú ý, trong nguồn giao thông, xe máy được coi là “thủ phạm” chính. Với tốc độ gia tăng chóng mặt về số lượng, xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO, 65,4% NMVOC và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Với nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe gắn máy cũng chiếm khoảng 31%.
“Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm không khí tại TP.HCM và Hà Nội, cần nhanh chóng triển khai đề án kiểm soát khí thải xe gắn máy. Riêng tại TP.HCM, kiểm soát được nguồn phát thải từ xe máy có thể giúp giảm tới 30% tình trạng ô nhiễm không khí”, PGS-TS Hồ Quốc Bằng đề xuất.
Đồng tình, TS Phùng Chí Sỹ, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nhận xét không chỉ TP.HCM, giao thông mà cụ thể là xe gắn máy cũng là nguồn phát thải chính, chiếm khoảng từ 55 - 60% tổng lượng phát thải tại Hà Nội cũng như nhiều TP khác trên thế giới. Nếu không kiểm soát được giao thông, sẽ không thể kiểm soát, kéo giảm được ô nhiễm không khí.

Các nước áp dụng nhiều biện pháp giảm ô nhiễm không khí

Năm 2013, tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 ở mức nghiêm trọng xuất hiện tại nhiều khu vực của Trung Quốc, trong đó nồng độ PM2.5 tại thủ đô Bắc Kinh tăng lên tới 1.000 μg/m3, gấp 40 lần mức chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Vì thế, chính phủ nước này tiến hành hàng loạt biện pháp cải thiện tình hình ô nhiễm không khí trong giai đoạn 2013 - 2017. Cụ thể như thắt chặt tiêu chuẩn khí thải công nghiệp, ban hành tiêu chuẩn mới về khí thải đối với ô tô, thay thế các nhà máy cũ, xúc tiến nhiên liệu sạch trong các khu dân cư. Ngoài ra, trong năm 2015, Bắc Kinh áp dụng luật bảo vệ môi trường được cho là nghiêm khắc nhất trong trong lịch sử Trung Quốc. Trong nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san PNAS thuộc Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, nồng độ PM2.5 đã giảm đáng kể ở khắp Trung Quốc trong giai đoạn 2013 - 2017 và Bắc Kinh đã ra khỏi danh sách 100 TP ô nhiễm nhất ở châu Á trong những năm gần đây.
Cùng với Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Thái Lan... cũng đang quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế ô nhiễm không khí. Hồi tháng 3, quốc hội Hàn Quốc đã thông qua 8 dự luật liên quan để giải quyết vấn nạn bụi mịn. Đến tháng 9, chính phủ nước này tiếp tục đề xuất một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị thân thiện hơn với môi trường. Tháng 11 năm nay, bất chấp nhu cầu năng lượng tăng cao, Hàn Quốc quyết định tạm ngưng 1/4 số nhà máy nhiệt điện.
Còn tại Ấn Ðộ, chính quyền thành phố New Delhi cấm xe hơi tư nhân lưu thông vào một số ngày, cấm nông dân đốt rơm, đồng thời cung cấp máy móc và vốn vay ưu đãi để hiện đại hóa nền nông nghiệp... Từng nằm trong danh sách quốc gia có thủ đô ô nhiễm không khí hàng đầu thế giới, Thái Lan đã thoát khỏi bảng xếp hạng này bằng một loạt biện pháp đáng ghi nhận như hạn chế xe tải lớn vào thủ đô trong giờ cao điểm, lắp vòi phun nước để giảm khói bụi trong TP. Hồi tháng 10, nước này còn khiến thế giới “trầm trồ” khi quyết định lắp một máy lọc không khí khổng lồ ngay trung tâm Bangkok, với khả năng lọc khoảng 17.000 m3 không khí mỗi giờ.
Minh Trung - Thanh Lương 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.