Hạ 'đầu bài' cao tốc Bắc - Nam cho nhà đầu tư nội tham gia

Chí Hiếu
Chí Hiếu
28/09/2019 08:32 GMT+7

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay đầu bài về kinh nghiệm tham gia các dự án đường cao tốc của nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam có thể hạ xuống.

Nhiều vấn đề nóng như tiêu chí nhà thầu cao tốc Bắc - Nam cho nhà đầu tư nội, chốt mốc tiến độ cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông... đã được đặt ra với lãnh đạo Bộ GTVT tại buổi họp báo thường kỳ của bộ này vào chiều qua (27.9).
Trả lời câu hỏi liệu có hạ tiêu chí với nhà thầu tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam để lôi cuốn các doanh nghiệp trong nước, sau khi hủy đấu thầu quốc tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, các quy định mà nghị quyết Quốc hội đã đưa ra như vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tối thiểu 20%, hay không bảo lãnh doanh thu “là không thay đổi”. “Tuy nhiên, đầu bài về kinh nghiệm tham gia các dự án đường cao tốc có thể hạ xuống, lý do bởi chưa có nhiều dự án cao tốc nên chúng tôi đang nghiên cứu để có thể thay vào đó có thể là kinh nghiệm từng tham gia các dự giao thông, hạ tầng”, ông Đông nói.
Về lo ngại các dự án sẽ bị “chia nhỏ” như từng diễn ra với các dự án BOT trên QL1, ông Đông khẳng định sẽ không có chuyện “chia nhỏ các dự án thành các gói” bởi điểm đầu điểm cuối đã được tính toán về khả năng đấu nối, bài toán tài chính gắn với thu phí.
Trước băn khoăn về khả năng chỉ định thầu trong trường hợp không đấu thầu được hoặc có dự án không có nhiều nhà đầu tư tham gia, theo ông Đông, Nghị quyết Quốc hội nói rõ trong 11 dự án thành phần thì có 8 dự án theo hình thức hợp tác công - tư, song nếu xảy ra kịch bản không có nhà đầu tư thì sẽ báo cáo lại Quốc hội xem xét quyết định chuyển sang đầu tư công chứ không có chỉ định thầu.
Liên quan đến câu chuyện Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông biết lỗ từ khi chưa làm, ông Đông cho hay, nếu tính riêng vấn đề hoàn vốn để cho có lãi thì các dự án giao thông công cộng như đường sắt đô thị rất khó.
“Nếu chỉ xét tính tài chính không thôi thì việc hoàn vốn bằng riêng dự án là rất khó. Ngay với đường bộ cao tốc, nhà nước cũng phải hỗ trợ 45 - 50% và chỉ thu hồi phần vốn của nhà đầu tư. Nếu tính (thu hồi) hết phần của nhà nước nữa thì không có nhà đầu tư tham gia. Các dự án xe buýt cũng thế, phải có nhà nước hỗ trợ. Và những dự án này phải xét tổng thể đóng góp kinh tế cho cả thành phố, quốc gia. Các dự án thu hồi vốn thì chỉ những dự án có tính thương mại thôi”, ông Đông nói.
Trả lời câu về việc đã có một tiến độ cuối cùng cho dự án hay chưa, ông Đông cho hay Bộ GTVT đã ấn định các mốc chi tiết với nhà thầu, song do “tiến độ đan xen, bị ảnh hưởng từ các khâu thiết kế, giải phóng mặt bằng từ đầu đã kéo dài, chồng lên các phần sau” nên các mốc đó cần cọ xát thêm. Theo ông, tồn tại lớn nhất hiện còn là tập hợp hồ sơ đi kèm như lắp đặt thiết bị, xuất xứ để nghiệm thu đưa vào vận hành tổng thể. “Chạy thử đơn chuyến thì đã làm được, nhưng việc chạy tích hợp nhiều ngày cả hệ thống thì chưa hoàn chỉnh”, ông Đông nói, đồng thời cho biết thêm, hiện Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập của Pháp, là đơn vị có kinh nghiệm đánh giá hệ thống đường sắt thế giới. Đến nay tư vấn độc lập đã có 6/14 báo cáo và hồ sơ sẽ tiếp tục được cung cấp tiếp để họ đánh giá tiếp. “Nguyên nhân chậm phần lớn do nhà thầu tập hợp, nếu làm đến đâu lưu đến đấy thì đã không chậm như thế”, ông Đông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.