Gốm Việt đơm hoa

21/02/2015 04:53 GMT+7

(TS Xuân) Yêu gốm, thích làm gốm và bảo tồn gốm - đó là những tình cảm mà nhiều người trẻ hiện nay dành cho “cô nàng đỏng đảnh khó chiều”, mong manh dễ vỡ nhưng đầy mê hoặc này. Ngày xuân, cùng nhau ngắm gốm Việt “đơm hoa” trong sự cạnh tranh của... gốm Nhật.

(TS Xuân) Yêu gốm, thích làm gốm và bảo tồn gốm - đó là những tình cảm mà nhiều người trẻ hiện nay dành cho “cô nàng đỏng đảnh khó chiều”, mong manh dễ vỡ nhưng đầy mê hoặc này. Ngày xuân, cùng nhau ngắm gốm Việt “đơm hoa” trong sự cạnh tranh của... gốm Nhật.

Tác phẩm gốm Việt của họa sĩ Hà Hùng Dũng
Tác phẩm gốm Việt của họa sĩ Hà Hùng Dũng
Cơn sốt mê gốm Nhật
Không thể phủ nhận được dòng gốm Nhật đang được lòng nhiều người sưu tầm gốm tại VN. Những cửa hàng bán gốm Nhật hay hội những người mê gốm Nhật mọc lên khắp nơi từ Facebook đến ngoài đời. Người ta yêu gốm Nhật bởi kiểu dáng đa dạng và lạ mắt. Đôi khi chỉ là một chiếc đĩa, một ly rượu sake nhưng chất chứa trong đó hình ảnh, văn hóa của đất nước hoa anh đào.
Bạn Nguyễn Nhân, một người sưu tầm gốm Nhật tại TP.HCM chia sẻ về thú chơi của mình: “Bên cạnh những giá trị văn hóa được lồng ghép khéo léo, gốm Nhật còn có kiểu dáng “có một không hai”. Những chiếc ly 3D hình búp bê Daruma, Kokeshi; hay bình rượu sake hình căn nhà, hình Thất Phúc Thần được thể hiện rất nhiều trên các sản phẩm gốm Nhật. Điều đó đã làm nên nét độc đáo của gốm Nhật”.
Sen là đề tài của họa sĩ Hà Hùng Dũng - Ảnh: NVCC
Sen là đề tài của họa sĩ Hà Hùng Dũng - Ảnh: NVCC
Không những vậy, gốm Nhật còn có kiểu dáng đáng yêu nên nhiều cô gái rất thích các sản phẩm này. Gác đũa thì hình chú chim nhỏ, khủng long, cá, ếch. Chén nước chấm có hình chiếc lá phong. Chén cơm thì in hình mèo dễ thương, ly trà có hình chú chó 3D đang đu trên quai cầm... Sự độc đáo đó khiến cho nhiều người không tiếc tiền để sưu tầm những món đồ gốm đến từ xứ sở mặt trời.
Tuy nhiên, để sưu tầm được một món đồ gốm Nhật giá trị không phải là điều dễ dàng bởi hiện tại, phần lớn gốm Nhật bán ở VN có mức giá rẻ do chủ yếu được mua từ Campuchia chứ không phải được nhập từ Nhật. Những món đồ gốm này là hàng cũ hoặc đã qua sử dụng; hàng cao cấp chưa có nhiều. “Nếu thật sự muốn sưu tầm thì phải tìm hiểu, tốn nhiều thời gian gom góp mới có được một bộ sưu tập đúng nghĩa. Ngoài ra cũng còn phải biết đọc, hiểu tiếng Nhật và chịu khó mày mò mới hiểu hết được chữ ký, triện trên từng sản phẩm gốm. Nếu không bạn sẽ dễ dàng nhầm lẫn và sưu tập phải hàng giả”, Nguyễn Nhân cho biết.
Gốm Việt đơm hoa
Sự lan tỏa của gốm Nhật, gốm mang thương hiệu Việt vẫn sống và “đơm hoa kết trái”. Một vài cuộc triển lãm cá nhân về gốm nổi bật đã ra mắt trong thời gian gần đây. Mới nhất là cuộc triển lãm gốm Việt mang tên Sen của họa sĩ Hà Hùng Dũng diễn ra tại TP.HCM. Họa sĩ Hà Hùng Dũng tâm sự về “nghiệp” làm gốm của mình: “Tôi tìm đến gốm khoảng hơn 2 năm nay và bị say mê lúc nào không hay. Khi còn là sinh viên, tôi đã tìm đến làng gốm Bát Tràng và có những ngày trải nghiệm thú vị tại đó. Tôi bị say mê gốm ngay từ khi bắt tay vào làm. Từ cách nhồi đất đến các thao tác vuốt gốm. Thích nhất là khi hai bàn tay mình chạm vào đất và sáng tạo nó theo cách mình muốn”.
Chưa mở được triển lãm cá nhân, nhưng bạn Trần Kim Chi đã từng tham gia triển lãm đồ handmade với các sản phẩm bằng gốm. “Mình bắt đầu bước vào con đường làm gốm cách đây 4 năm, khi tình cờ làm việc cho một thầy giáo dạy gốm. Ban đầu mình không để ý về gốm lắm nhưng khi mình quan sát những bạn học viên đến học làm gốm, cách họ chăm chú, tay xoay đều bàn đặt gốm, rồi gọt vát gốm sao cho khéo léo để ra hình vóc cái tô, cái ly... khiến mình chú ý và tò mò. Khi đã bắt tay vào làm thử, mình dường như bị cuốn hút theo bởi làm gốm giúp mình giải tỏa những căng thẳng sau những bộn bề lo toan đời thường. Mình còn được rèn thêm sự kiên nhẫn, tỉ mỉ trong từng tác phẩm và đặc biệt là cảm giác tự chính tay mình có thể làm ra những sản phẩm tặng cho bạn bè, người thân”, bạn Kim Chi kể về con đường bén duyên với gốm.
Nếu những sản phẩm của họa sĩ Hà Hùng Dũng thấp thoáng hình ảnh của sen, hòa cùng hình ảnh con người, làng quê Việt, thì đồ gốm của bạn Kim Chi lại trẻ trung với những hình ảnh đời thường như xe Vespa, Honda 67, hoặc những tượng gốm nhân vật trong phim hoạt hình. Ngoài dòng gốm hiện đại, các dòng gốm Việt đã có mặt từ lâu đời như Bát Tràng, Biên Hòa vẫn được bảo tồn và chào đón. Yên Lam Gốm (TP.HCM) hay Artu's Boutique (Hà Nội) là những nơi mà gốm Việt xưa được thăng hoa. Sẽ chẳng có gì là lạ nếu như đến đó bạn bắt gặp bức phù điêu cổ, hay chiếc bình bách hoa Biên Hòa vừa được phục chế. Họa sĩ Hà Hùng Dũng tâm sự rằng khi học gốm anh luôn trăn trở một điều, và có lẽ đó cũng là tâm tư của những người trẻ: “Phải giữ gìn những sản phẩm gốm cổ xưa. Phải bảo tồn nghề làm gốm”.
Học làm gốm
Ngay từ khi bắt đầu học làm gốm, để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh cần rất nhiều thời gian. Trước hết là hiểu và cảm nhận về đất, về màu men và nhiệt độ nung. Sau đó là những bước căn bản để tạo nên một cái ly hay một cái chén nhỏ, rồi từ từ làm những sản phẩm cao hơn và lớn hơn. Bạn Kim Chi tiết lộ đã từng mất một tháng trời mới có thể tạo được chiếc ly hoàn thiện: “Với mình việc khó khăn nhất trong khoảng thời gian đầu là cố gắng kéo một cái ly cho nó cao lên chừng 15 cm để ra được hình dáng mà mình mong muốn. Mọi việc không hề dễ dàng chút nào, mình đã phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới thành công”.
Bạn Kim Chi đang say mê sáng tác
Bạn Kim Chi đang say mê sáng tác
Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ muốn học làm gốm. Ngoài những lý do như tự tay làm một món quà ý nghĩa để tặng bạn bè và người thân, các bạn có thể sáng tạo những món đồ có kiểu dáng mang phong cách riêng của mình để sử dụng trong đời sống hằng ngày. Có bạn thì đơn giản là đam mê sự mộc mạc mà gốm mang lại, hay coi đó là môn giải trí lành mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.