Gọi vốn tiền ảo giả mạo, lừa nhà đầu tư 2 triệu USD

Thu Thảo
Thu Thảo
12/03/2018 22:05 GMT+7

Những kẻ lừa đảo trong đợt gọi vốn cho dự án tiền ảo (ICO) giả mạo lần này có liên quan đến một vụ trộm tiền thuật toán khác cũng vừa xảy ra gần đây.

Theo CNBC, những kẻ lừa đảo đã dùng hồ sơ LinkedIn giả mạo và sao chép các bức ảnh từ Instagram của một người dùng để tạo danh tính ảo, thu hút hơn 1.000 nhà đầu tư rót vốn cho dự án ICO đồng Giza.
ICO là cách để các startup trong ngành tiền thuật toán gọi vốn. Thay vì huy động tiền mặt từ các nhà đầu tư mạo hiểm, công ty có thể tổ chức ICO, vốn cho phép nhà đầu tư rót vốn bằng cách gửi ethereum hoặc bitcoin để đổi lấy đồng tiền thuật toán mới mà startup phát hành. Tiền thuật toán không phải là cổ phần mà chỉ được dùng để sử dụng các dịch vụ mà startup cung cấp trong tương lai. Ngoài ra, đồng tiền ảo còn có khả năng lên giá cao hơn nhiều so với khoản vốn ban đầu bỏ ra.
Hầu như ICO được rót vốn mạnh và không bị kiểm soát gắt. Năm ngoái, các doanh nghiệp huy động 3,8 tỉ USD thông qua ICO, và từ đầu năm đến nay con số này đã là 2,8 tỉ USD, theo dữ liệu từ CoinSchedule, trang web theo dõi hoạt động trong lĩnh vực ICO.
Dù các nhà đầu tư không được bảo vệ hoàn toàn khi tham gia ICO, giới chức nhiều nước đang nỗ lực để theo dõi chặt hơn hoạt động này vì ngày càng có nhiều ICO lừa đảo, gian lận.
Các nhà đầu tư bị lừa trong vụ Giza cho hay họ nghĩ rằng dự án này đáng tin cho đến khi có nhiều dấu hiệu cảnh báo, trong đó có việc nhà cung ứng duy nhất của doanh nghiệp thất bại, sự thiếu tương tác giữa các nhà sáng lập đồng tiền ảo và việc những người này không thể trả lại các khoản tiền bị mất.
Giza là đồng tiền thuật toán tuyên bố phát triển công nghệ siêu an toàn cho phép người dùng trữ tiền thuật toán. ICO được thực hiện trong tháng 1, thu hút nhiều nhà đầu tư rót vốn vài tuần sau đó. Một nhà đầu tư cho biết họ đầu tư 10.000 USD ở thời điểm đó, một người khác thì rót vốn 5.000 USD.
Dấu hiệu rõ cho thấy ICO này là lừa đảo thể hiện qua nhân vật bí ẩn là Marco Fike, COO của Giza. Trong số tám nhà đầu tư, đối tác và cựu nhân viên Giza được CNBC phỏng vấn, tất cả họ đều chưa từng nhìn thấy mặt Marco Fike. Tính đến đầu tháng 2, Giza gọi vốn và giữ hơn 2.100 ethereum, có giá khoảng 2,4 triệu USD ở thời điểm đó. Song gần như toàn bộ số tiền trên đang mất tích.
Sau khi rót vốn trong tháng 1 và tháng 2, nhiều người bắt đầu trở nên nghi ngờ về dự án. “Mọi thứ đều ổn cho đến khi công ty vốn là nhà phát triển thiết bị của họ nói trên internet rằng Giza cắt quan hệ làm ăn, có vẻ như là lừa đảo và có thể cả đội ngũ phát triển đồng này không phát triển bất cứ cái gì. Và rồi mọi thứ tệ hơn”, nhà đầu tư tên Chris chia sẻ. Trang web của Giza bị xóa vào tuần trước.
Cuối năm ngoái, Giza ký hợp đồng với công ty Nga Third Pin để sản xuất thiết bị có thể bán được ra thị trường. Third Pin cho biết họ làm phần cứng cho nhiều ngành công nghiệp, song hôm 30.1, CEO hãng là ông Ivan Larionov, cho biết trong diễn đàn bitcoin rằng công ty chấm dứt quan hệ hợp tác với Giza.
Số ethereum mà Giza gọi vốn từ nhà đầu tư được trữ trong một địa chỉ có thể theo dõi, dù ai là chủ nhân của địa chỉ này thì là ẩn số. Phần lớn số tiền trong ví của Giza bị chuyển đi trong suốt hai tuần qua, đến nhiều địa chỉ khác nhau. Một trong các địa chỉ nhận ethereum có liên quan đến vụ lừa đảo trong đợt ICO của Bee Token.
Khi Bee Token gọi vốn từ nhà đầu tư, một hoặc nhiều kẻ lừa đảo đã mạo danh là nhà sáng lập của Bee Token bằng cách gửi mail đến nhiều người, kêu gọi họ đầu tư cho Bee Token nhưng thực chất là chuyển vốn đến tài khoản riêng của bọn lừa đảo. Việc này cho thấy nhóm đứng sau vụ lừa đảo Giza có thể cũng đứng sau vụ lừa đảo Bee Token.
Không những nhà đầu tư mà một số nhân viên cũng bị lừa. Nhiều người cho hay họ được một người tự nhận là đến từ nhóm phát triển Giza liên lạc qua mạng, nhận vào làm việc sau buổi phỏng vấn qua Skype song không ai được nhận công việc thực sự, cũng không ai được trả lương hay nghe về công ty này thêm lần nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.