Gỡ khó nhãn tươi Hưng Yên, Sơn La trong mùa dịch Covid-19

12/08/2020 10:38 GMT+7

Dịch Covid-19 quay trở lại đúng vào mùa thu hoạch nhãn ở các tỉnh Hưng Yên và Sơn La, khiến nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho loại nông sản này phải hủy bỏ, tiêu thụ nhãn tươi gặp nhiều khó khăn.

“Mùa nhãn buồn”, giá bằng nửa năm ngoái

Khảo sát ngày 10.8, nhiều vườn nhãn tại xã Hồng Lam (TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đang chín rộ. Theo các nhà vườn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhãn bán rất chậm.
Hiện tại, ở xã Hồng Lam, nhãn trồng theo tiêu chuẩn Vietgap hoặc Globalgap, nếu ký hợp đồng tiêu thụ với siêu thị, giá nhãn là 20.000 đồng/kg. Nhưng số hộ bán được giá này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại, phần lớn nhãn được bán cho các thương lái từ Hải Dương, Hải Phòng thu mua đưa lên Hà Nội. Nhãn tươi loại đẹp nhất, cũng chỉ có giá từ 13.000 - 14.000 đồng/kg.
Có vườn nhãn với sản lượng khoảng 80 tấn, ông Nguyễn Văn Thế  (xã Hàm Tử, H.Khoái Châu, Hưng Yên) ngao ngán khi nói về việc tiêu thụ nhãn năm nay: “Mọi năm chỉ chờ bán vào siêu thị, nhưng năm nay phải mở thêm cả kênh bán lẻ, bán cho thương lái. Cứ có khách mua mừng rồi, dù giá bán chỉ bằng một nửa so với năm ngoái”. Cũng theo ông Thế, nhãn loại 1 giá cao nhất cũng chỉ được 20.000 đồng/kg, còn loại đưa vào "xoáy" long nhãn thì giá 10.000 đồng/kg.
Ở vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh Sơn La, ông Trần Văn Sơn (Hợp tác xã Đoàn Kết, xã Chiềng Khoong, H.Sông Mã) cho biết, hiện tổng sản lượng gần 170 tấn nhãn tươi của Hợp tác xã đã tiêu thụ gần hết, nhưng tổng kết lại thì “chưa có năm nào mùa nhãn lại buồn như năm nay”.
Ông Sơn giải thích, đầu vụ giá nhãn cao nhất bán được 25.000 đồng/kg. Sau đó, dịch Covid-19 quay trở lại, tâm lý sợ giãn cách xã hội trở lại, người dân cắt bán ồ ạt. Giá nhãn rơi tự do, có thời điểm xuống đến 7.000 - 8.000 đồng/kg. Đến cuối vụ, nhãn quả to, chuyên làm quà biếu lên được 8.000 - 10.000 đồng/kg, loại đưa vào chế biến long nhãn giá thấp hơn.

Đưa vào chế biến, xuất khẩu sang Lào, Campuchia

Theo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, trước mùa vụ thu hoạch nhãn, tỉnh đã có riêng một kế hoạch chi tiết tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ kết nối giao thương, quảng bá loại quả đặc sản này tại Hưng Yên và Hà Nội trong tháng 8. Nhưng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kế hoạch buộc phải hủy bỏ khiến việc kết nối giữa các nhà vườn với người tiêu dùng, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nhãn, Sở Công thương tỉnh Hưng Yên tích cực kết nối, mời gọi doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ nhãn tươi; tổ chức hội nghị trực tuyến với doanh nhân Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu nhãn. Bên cạnh đó, Hưng Yên đang có chính sách hỗ trợ kinh phí mua máy sấy để nâng công suất chế biến long nhãn, giảm áp lực tiêu thụ cho quả nhãn tươi.
Dự kiến sản lượng nhãn toàn tỉnh Hưng Yên năm nay đạt khoảng 50.000 tấn, sẽ có khoảng 30% được đưa vào chế biến long nhãn xuất khẩu hoặc chế biến nhãn sấy khô.
Ông Hà Văn Lai, Giám đốc Công ty TNHH Lai Hoài (TP.Hưng Yên), cho biết doanh nghiệp này vừa xuất thành công 1 container long nhãn sang Hàn Quốc. Như mọi năm, nhãn đưa vào “xoáy” long thường là loại 2, loại 3, nhưng năm nay, nhãn tươi tiêu thụ chậm nên nguồn nguyên liệu chế biến rất dồi dào, long nhãn có chất lượng tốt hơn.
Cũng theo ông Lai, Trung Quốc đang chịu tác động của dịch Covid-19 nên ngay từ đầu mùa, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu long nhãn đã tích cực tìm kiếm bạn hàng ở thị trường khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc. “Cứ 10 kg nhãn tươi đưa vào “xoáy” được 1 kg long nhãn, mỗi năm doanh nghiệp chế biến khoảng 400 - 500 tấn long nhãn xuất khẩu nhưng năm nay sẽ nâng công suất chế biến tăng lên 30%”, ông Lai nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đức Thuận, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Sơn La, thừa nhận chưa có năm nào mùa nhãn lại khó khăn như năm nay, có thời điểm giá xuống đến 5.000 đồng/kg.
Sản lượng nhãn của Sơn La khoảng 75.000 tấn, nhưng xuất khẩu chỉ chiếm 1.500 tấn. Đối với nhãn xuất khẩu chính ngạch, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc đặt ra tiêu chí, điều kiện phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nhưng diện tích này không nhiều.
Xuất khẩu nhãn tiểu ngạch qua các chợ biên giới hiện cũng ngưng trệ do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong vụ nhãn năm nay, Sơn La đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước, thông qua các doanh nghiệp, thương lái đưa đi khắp các tỉnh miền Bắc, thậm chí vào miền Trung, miền Nam, đặc biệt 2 thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM.
Cũng theo ông Thuận, năm nay, thị trường Trung Quốc gặp khó, nhãn Sơn La đã chuyển hướng xuất khẩu thành công sang Campuchia, Lào với số lượng lớn. “Mùa nhãn còn đến tháng 10, tỉnh Sơn La cũng đang tập trung hỗ trợ 200 cơ sở nâng công suất chế biến nhãn tươi thành long nhãn làm hàng xuất khẩu”, ông Thuận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.