Giấy phép con trá hình 'hành' doanh nghiệp

16/12/2015 08:00 GMT+7

Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp sáng qua, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng nhìn nhận cải cách hành chính chưa thực sự đồng bộ như mong muốn, nhiều bộ ngành 'đang hoạt động như hải quan của 10 năm trước' khiến việc thông quan hàng hóa cứ phải ách lại...

Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp sáng qua, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng nhìn nhận cải cách hành chính chưa thực sự đồng bộ như mong muốn, nhiều bộ ngành 'đang hoạt động như hải quan của 10 năm trước' khiến việc thông quan hàng hóa cứ phải ách lại...

Nhiều doanh nghiệp bức xúc vì bị làm khó - Ảnh: N.NNhiều doanh nghiệp bức xúc vì bị làm khó - Ảnh: N.N
Một trong những bức xúc doanh nghiệp (DN) phản ánh tại đối thoại là những “giấy phép con trá hình” đang âm thầm gây khó họ trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu; thậm chí có DN ví von như cách “xếp hàng xin - cho” của 20 năm về trước.
“Vài ngày đi xin giấy phép một lần”
Liệu có cách cho chúng tôi xin giấy phép nhập trong thời gian 6 tháng - 1 năm không, chứ cứ xin giấy phép hằng tuần, có khi hàng nhập liên tục, hai ngày lại đi xin giấy phép con này một lần thấy quá vô lý
Đại diện Công ty nhựa Bình Minh
Đại diện Công ty nhựa Bình Minh cho biết, nhiều năm qua công ty nhập một số hóa chất làm keo dán sản phẩm, đây là hóa chất cơ bản, trong danh mục cho phép. Thế nhưng, lô hàng nào nhập cũng phải lên Cục Hóa chất (Bộ Công thương) xin giấy phép, hầu như hằng tuần, thậm chí vài ngày đi xin giấy phép một lần. Việc này khiến DN mất rất nhiều thời gian, công sức. “Liệu có cách cho chúng tôi xin giấy phép nhập trong thời gian 6 tháng - 1 năm không, chứ cứ xin giấy phép hằng tuần, có khi hàng nhập liên tục, hai ngày lại đi xin giấy phép con này một lần thấy quá vô lý”, đại diện Công ty nhựa Bình Minh nói.
Một DN chuyên kinh doanh và xuất khẩu nông sản nêu: từ tháng 10 đến nay, công ty đã hoàn tất việc nộp tiền nợ thuế, nợ lệ phí nhưng trên trang thông tin điện tử của hải quan, tên của DN vẫn “treo” trong danh sách nợ phí hải quan. “Chúng tôi phản ánh lên hải quan, cơ quan này yêu cầu chúng tôi về tìm và photo hết 1.150 biên lai thu lệ phí từ đầu năm đến nay nộp cho hải quan mới được xóa. Tại sao khi chúng tôi đóng phí, hải quan không xóa khoản nợ này ngay mà treo đó để rồi đòi DN photo cả 1.150 tờ biên lai để làm bằng chứng xóa nợ?”, vị này bức xúc.
Cũng như những kỳ đối thoại trước, những bức xúc về áp mã số hàng hóa dẫn đến không thống nhất quan điểm giữa hải quan và DN về mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế nhập khẩu tiếp tục nóng tại buổi đối thoại lần này. Ông Trần Hữu Tài, Phòng Vật tư vận tải Công ty CP ắc quy Miền Nam, cho biết công ty nhập một số vật tư phục vụ sản xuất pin và ắc quy như lá cắt tấm phân cực ắc quy. Sản phẩm được nhà cung cấp chứng minh là vật liệu làm từ sợi thủy tinh tổng hợp 94%, thuộc nhóm chịu thuế 5%. Tuy nhiên, Chi cục Hải quan Cát Lái lại áp thuế 20% với lý do mã hàng hóa khác với khai báo của DN. DN nhiều lần khiếu nại, thậm chí đã đưa sản phẩm sang Trung tâm phân tích hàng hóa xuất nhập khẩu chi nhánh TP.HCM để kiểm nghiệm. Song theo ông Tài, trung tâm này cho biết đã có văn bản gửi Chi cục Hải quan Cát Lái đề nghị hỗ trợ việc có quyết định phân tích, nhưng chưa nhận được phản hồi. “Nên vấn đề cứ treo ở đây và DN phải gồng lưng với mức thuế 20%”, ông Tài bức xúc.
Công ty Ajinomoto VN cũng cho biết đang vướng mặt hàng amix - mật thu từ chiết xuất đường củ cải (dạng lỏng), dùng làm môi trường nuôi cấy vi sinh trong quá trình sản xuất bột ngọt. Theo quy định tại điều 10 Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính, mặt hàng này chịu thuế GTGT 5%. Tuy nhiên, ngày 7.12 vừa qua công ty nhận công văn yêu cầu áp thuế 10% cho mặt hàng trên với lý do công ty khai báo tên hàng là “nguyên liệu sản xuất bột ngọt - mật thu được từ chiết xuất đường”. Đại diện Ajinomoto VN nêu câu hỏi: “Mức thuế GTGT 5% mà DN áp đó có đúng không? Nếu không, mức thuế suất 10% với mặt hàng mật rỉ đường được quy định ở đâu mà chúng tôi không tìm thấy văn bản pháp lý nào khác?”.
Hải quan cũng bức xúc
Trong khi ngành hải quan áp dụng miễn kiểm tra cho những DN lớn, làm ăn tốt, uy tín thì các liên ngành vẫn áp cách làm cũ, kiểm tra tất tần tật gây phiền hà, mất nhiều thời gian khi thông quan. Như vậy, nỗ lực cải cách hành chính của ngành hải quan cũng đổ sông đổ biển bởi sự cải cách thiếu đồng bộ này
Ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM
Trước những bức xúc của DN về “giấy phép con trá hình”, ông Đinh Ngọc Thắng, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, “hoàn toàn đồng ý với DN” và thừa nhận: “Nhiều trường hợp chính chúng tôi cũng phải bức xúc giùm cho DN”.
Chia sẻ bức xúc của Công ty nhựa Bình Minh, ông Thắng kể có trường hợp như Công ty may Việt Tiến, là một DN lớn, nhập hàng triệu lô hàng để sản xuất xuất khẩu, cùng một loại nguyên liệu vải đó, nhưng lô hàng nào cũng buộc phải gửi mẫu kiểm tra. “Bao nhiêu lô hàng, bao nhiêu năm qua cũng từng ấy sản phẩm, hà cớ gì lô hàng nào cũng buộc DN phải gửi mẫu kiểm tra mới cho thông quan. Trong khi ngành hải quan áp dụng miễn kiểm tra cho những DN lớn, làm ăn tốt, uy tín thì các liên ngành vẫn áp cách làm cũ, kiểm tra tất tần tật gây phiền hà, mất nhiều thời gian khi thông quan. Như vậy, nỗ lực cải cách hành chính của ngành hải quan cũng đổ sông đổ biển bởi sự cải cách thiếu đồng bộ này”, ông Thắng bức xúc và thông tin thêm, Hải quan TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị vấn đề “giấy phép con” này nhưng phía cơ quan liên quan chưa đồng ý.
Với thắc mắc phải cung cấp 1.150 bản photo biên lai thu phí mới được xóa “án treo” nợ phí, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu - Cục Hải quan TP.HCM, khẳng định “không thể có chuyện đó” và hứa sẽ làm việc ngay với bộ phận hải quan quản lý hàng đầu tư trong chiều 15.12 về vấn đề này. Ông Toản nhấn mạnh: “Theo hải quan quản lý hàng đầu tư báo cáo, nợ lệ phí hải quan nay đã lên đến 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, tôi khẳng định nợ phí hải quan không phải là căn cứ để cưỡng chế DN dưới bất cứ hình thức nào. Hải quan quản lý hàng đầu tư không có quyền bắt DN phải cung cấp bản photo biên lai mới xóa nợ như DN phản ánh được”.
Về trường hợp của Công ty CP ắc quy Miền Nam, theo ông Toản, nếu đúng như DN trình bày, Hải quan Cát Lái áp mức thuế 20% là sai. Ông Toản cho biết sẽ làm việc với Phòng Thuế xuất nhập khẩu cùng đại diện Hải quan Cát Lái để giải quyết vấn đề này. Riêng quy định áp thuế GTGT thay đổi từ 5% lên 10% với hàng mật rỉ của Ajinomoto VN, ông Toản khẳng định: “Theo quy định tại điều 10, Thông tư 219/2013, mặt hàng mật rỉ đường chịu mức thuế suất GTGT là 5%. Nếu hải quan đầu tư thu 10% phải hoàn thuế lại cho DN”.
Liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho biết nếu không có gì thay đổi, từ ngày 1.1.2016, tại Hải quan Cát Lái và Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khu vực kiểm tra chuyên ngành tập trung. Trước mắt, sẽ có 6 - 7 cơ quan quản lý về chuyên ngành có số lượng kiểm tra nhiều nhất tập trung tại đây để trực tiếp kiểm tra, cho kết quả để thông quan hàng hóa hoặc có chứng thư, xác nhận cho DN. Cách làm này sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi của DN rất nhiều.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.