Ngày 4.11.2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.
Trong đó, có những quy định mới, cụ thể như về giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng, tại Thông tư 18 quy định giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với các khoản vay có giá trị lớn (trên 20 triệu đồng).
Theo đó, không hạn chế đối với nhu cầu món vay nhỏ dưới 20 triệu đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, phù hợp với yêu cầu của Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc NHNN.
Mặt khác, quy định lộ trình đến ngày 1.1.2024, các công ty tài chính (CTTC) mới phải tuân thủ tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng. Do vậy, không tác động nhiều đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC, do đã có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ theo lộ trình.
Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của CTTC, công ty cho thuê tài chính, thì CTTC được cấp tín dụng tiêu dùng (gồm: cho vay tiêu dùng - cho vay giải ngân cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ và cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng và phát hành thẻ tín dụng; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống trong giới hạn 30% tổng dư nợ).
Do vậy, nếu tính cả dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống thì tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp thực tế (cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống) trên tổng dư nợ còn cao hơn mức 30%.
Các quy định trên nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 01 ngày 8.1.2019 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019, trên cơ sở mục tiêu quản lý nhà nước, lộ trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và NHNN.
Qua đó, vừa thúc đẩy vai trò của các CTTC tiêu dùng, đồng thời phải có kiểm soát để giảm rủi ro phát sinh từ việc các CTTC tập trung cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp trong thời gian qua.
Hơn nữa, các quy định này cũng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng thực sự, từ đó giảm rủi ro, khiếu nại, tranh chấp từ khách hàng, giảm lãi suất cho vay, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Và cuối cùng là để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh.
Do đó, việc quy định giới hạn cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.