Giao dịch giả mạo chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
10/03/2021 15:46 GMT+7

Phòng Thanh tra, kiểm tra 4 Cục thuế TP.HCM mới có báo cáo kinh nghiệm thanh kiểm tra đối với doanh nghiệp có cảnh báo, nghi vấn rủi ro cao liên quan đến hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Dùng CMND "nhặt được" thành lập doanh nghiệp “ma”

Liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu, Phòng thanh tra, kiểm tra thuộc Cục Thuế TP.HCM nhận thấy thủ đoạn gian lận, chiếm đoạt tiền thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp mà sử dụng các phương pháp thanh kiểm tra truyền thống rất khó phát hiện.
Cụ thể, một số các tổ chức, cá nhân thực hiện thành lập một chuỗi các doanh nghiệp (DN) không có thật và DN có thật, nâng khống giá trị hàng hóa rồi tìm cách thông qua vài DN lớn có thương hiệu thực hiện đứng tên hộ trên hợp đồng và các hồ sơ xuất khẩu để được hưởng thù lao. Cuối cùng là lập hồ sơ đề nghị hoàn thuế nhằm qua mặt cơ quan nhà nước.
Thủ đoạn tinh vi ở chỗ hồ sơ hoàn thuế GTGT đều đáp ứng các điều kiện của pháp luật, nhưng bản chất thì chứa đựng các giao dịch giả tạo để chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng trong một thời gian ngắn. Khi xác minh F4, F5, cơ quan thuế phát hiện CMND của một số cá nhân bị mất được sử dụng để thành lập các công ty không có thật. Cá nhân là đại diện pháp luật trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đều thừa nhận bị mất CMND và họ hoàn toàn không thành lập DN, chữ ký trên các giấy tờ giao dịch như hợp đồng kinh tế, hóa đơn… thậm chí chữ ký đăng ký tại ngân hàng thương mại và các chứng từ thanh toán đều là chữ ký giả.
Dù rằng dòng tiền được thanh toán qua ngân hàng thương mại nhưng về bản chất chứa đựng các giao dịch thanh toán giả tạo. Tiền từ phía nước ngoài chuyển về và tiền thuế GTGT được hoàn thông qua công ty lớn có thương hiệu (thực hiện đứng tên hộ trên hồ sơ xuất khẩu hưởng thù lao), sau đó chuyển qua các công ty F2 (công ty con của công ty đứng tên hộ trên hồ sơ xuất khẩu hưởng thù lao), tiếp tục chuyển sang các công ty F3 (công ty bình phong của đường dây chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT), và tiếp tục chuyển sang các công ty F4, F5 là những công ty không có thật và cuối cùng một số cá nhân rút tiền ra khỏi ngân hàng hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân có dấu hiệu thu lợi bất chính. Thời gian từ lúc tiền vào tài khoản của DN F1 đến khi tiền DN F5 rút ra khỏi ngân hàng thường trong vài ngày.

Hưởng lợi 0,7% giá trị hợp đồng

Thông qua công ty bình phong (F3), nhóm thu lợi bất chính móc nối với DN lớn, có thương hiệu đứng tên hộ trên hồ sơ xuất khẩu với thỏa thuận mỗi hồ sơ xuất khẩu công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy tờ và công ty con của công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy tờ được hưởng tỷ lệ 0,7% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu; trong đó công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy tờ được hưởng 0,6% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu, công ty con (F2) của công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy tờ được hưởng tỷ lệ 0,1% trên giá trị hợp đồng xuất khẩu.
Để hợp thức hóa tiền thù lao từ việc đứng tên hộ trên hồ sơ xuất khẩu, thủ đoạn cũng khá tinh vi. Căn cứ vào đơn đặt hàng của phía nước ngoài do công ty bình phong cung cấp, công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy tờ soạn thảo hợp đồng xuất khẩu (hợp đồng điện tử) và chuyển vào hộp thư điện tử của công ty bình phong (F3) và nhận lại hợp đồng điện tử từ hộp thư điện tử của công ty bình phong. Ở đây, công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy tờ hoàn toàn không thực hiện giao dịch xuất khẩu với khách hàng nước ngoài. Sau khi nhận tiền từ phía nước ngoài, công ty trực tiếp xuất khẩu trên giấy (F1) chuyển tiền cho công ty con (F2) với số ngoại tệ đã nhận nhân với tỷ giá bán ngoại tệ tại ngân hàng thương mại trừ đi 0,6% cộng với tiền thuế GTGT và nhận hóa đơn với số tiền tương ứng. Sau khi nhận tiền từ công ty mẹ, công ty con (F2) chuyển tiền cho công ty bình phong (F3) với số tiền đã nhận nhân với tỷ giá bán ngoại tệ tại ngân hàng thương mại trừ đi 0,7% cộng với tiền thuế GTGT và nhận hóa đơn với số tiền tương ứng. Tiếp theo, các công ty F3 chuyển tiền cho F4 và trừ đi 0,7%; F4 chuyển cho F5 và rút ra khỏi ngân hàng, hoặc chuyển vào tài khoản của các tổ chức cá nhân, hoặc nộp tại vào tài khoản các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thu lợi bất chính.
Hành vi đứng tên hộ trên hồ sơ xuất khẩu và hưởng lợi với tỷ lệ 0,7% căn cứ khoản 25 Điều 3 Luật Quản lý thuế số 38/2018/QH14 quy định về nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để kết luận bản chất DN không phải là cơ sở kinh doanh xuất khẩu, các hồ sơ xuất khẩu về bản chất là giao dịch giả tạo và không đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế GTGT.
Với thủ đoạn gian lận, chiếm đoạt tiền thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp thông qua việc thực hiện các hồ sơ xuất khẩu về bản chất là giả tạo nhằm che giấu hành vi đứng tên tờ khai hải quan và các hồ sơ có liên quan đến hoạt động xuất khẩu và sử dụng một chuỗi các DN vừa thật vừa không có thật, do đó công tác thanh kiểm tra thuế, theo Phòng thanh kiểm tra 4 cần kết hợp giữa phương pháp tài chính và phi tài chính; phương pháp truyền thống gắn với phương thức giao dịch điện tử mới có thể xác định được bản chất hoạt động, giao dịch và kết luận hành vi vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.