​'Giám sát đặc biệt' nhiệt điện than

20/10/2016 08:00 GMT+7

Tháng nào họp Bí thư Tỉnh ủy cũng hỏi mấy cái nhiệt điện Duyên Hải sao rồi, bà con có kêu gì nữa không?

Đó là câu chuyện được ông Nguyễn Hữu Thảo, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh chia sẻ khi chúng tôi tìm về đây giữa những ồn ào bao quanh các nhà máy nhiệt điện.
Trở về sau sự cố
Ông Thảo - người dân gốc Vĩnh Tân (Bình Thuận) kể, tháng 5.2015, khi xảy ra sự cố phát tán tro xỉ ở nhiệt điện Vĩnh Tân 2, không chỉ người dân mà lãnh đạo Trà Vinh cũng lo lắng bởi khi đó nhiệt điện Duyên Hải 1 sắp chạy thử. "Khi tổ máy 1 vận hành, cột khói đen kịt, bà con phản ứng lắm. Họp hội đồng nhân dân nóng từ xã đến tỉnh", ông Thảo nhớ lại.
Thế là ít ngày sau, một tổ công tác đặc biệt liên ngành do Giám đốc Sở Công thương đứng đầu được lập ra để giám sát hoạt động của công trình này. Vì là người gốc Bình Thuận, lại phụ trách ngành điện nên ông Thảo được giao trở về quê tìm hiểu căn nguyên sự cố tại nhiệt điện Vĩnh Tân với sứ mệnh không để lặp lại tại Duyên Hải.
Ông Nguyễn Trung Trực, Phó chủ tịch H.Tuy Phong, nơi đặt trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) thừa nhận, khi Nhà máy Vĩnh Tân 2 vào hoạt động là lần đầu tiên địa phương có một dự án lớn nên chưa lường hết được sự phức tạp, chưa có sự phối hợp tốt giữa chính quyền và chủ đầu tư. "Nhưng nay mọi sự đã khác, theo quy chế chung thì hằng tuần nhà máy phải thông báo với địa phương tình hình hoạt động, lượng xả thải tro xỉ. Kể cả bây giờ, tôi mở máy tính ra cũng biết được nhà máy đang vận hành thế nào, bãi xỉ ra sao vì có 12 camera truyền về", ông Trực nói rồi rút chiếc điện thoại trong túi ra, mở lịch sử cuộc gọi, kể tiếp: Mấy ngày nay, báo chí nói nhiều về ô nhiễm nhiệt điện nên dân giám sát từng ngày. Mỗi chiều xã đều gọi báo huyện, huyện báo tỉnh. Như hôm qua thì cứ mấy tiếng a lô một lần.
Ông dẫn chứng thêm, tuần trước, giữa đêm có mưa lớn, người dân kêu nước rút chậm, lo nước bãi xỉ tràn ra đồng liền gọi điện lên huyện. Lập tức đường dây nóng từ huyện xuống nhà máy đổ chuông. Mặc dù không phải nước từ bãi thải xỉ nhưng nhà máy cũng đưa người ra xử lý. “Hai tiếng sau, nước rút hết. Thế là dân tin thôi”, ông Trực nói.
Theo ông Thiên Thanh Sơn, Phó giám đốc nhiệt điện Vĩnh Tân, sự cố năm 2015 diễn ra vì các hạng mục như đường nội bộ chuyển xỉ và bãi chứa xỉ chưa xong. "Còn nay, bãi xỉ gần 38 ha đã được chia thành 16 ô nhỏ vừa để tích nước cho lu lèn, vừa là "chia để trị" cho dễ. Quan trọng hơn là giờ việc vận chuyển hoàn toàn trong đường nội bộ chứ không đi chung với quốc lộ như trước", ông Sơn trấn an.
Và những bài học
Đây cũng là một bài học mà ông Thảo rút ra được để về áp dụng với việc giám sát Nhà máy Duyên Hải. Hiện Trà Vinh chưa xong hệ thống giám sát qua camera, nhưng các thành viên của đoàn giám sát cấp xã đều có số đường dây nóng của lãnh đạo các sở để phản ánh thực tế môi trường.
“Thật ra, bài học lớn nhất từ Vĩnh Tân chúng tôi rút ra là phải phối hợp chặt giữa chủ đầu tư, ban quản lý với địa phương. Ở Duyên Hải chúng tôi tạo được cơ chế này ngay từ đầu. Nên khi chạy thử thấy khói đen, địa phương kiến nghị là chủ đầu tư liền khắc phục bằng cách yêu cầu nhà thầu đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi khởi động máy nên bây giờ cả hai tổ máy đang chạy nhưng không hề có khói đen nữa”, ông Thảo khẳng định.
Chủ tịch UBND xã Dân Thành (TX.Duyên Hải) Đào Văn Chính cho hay, xã có một phó chủ tịch tham gia tổ giám sát đặc biệt. Theo đó, những việc như kiến nghị làm sao để giảm khói đen khi nhà máy vận hành đã được ông chuyển tải và kết quả là chủ đầu tư đã khắc phục. "Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là dân đã yên tâm hết bởi điều lo nhất vẫn là tro xỉ. Vì đây là chuyện thường ngày và còn rất lâu dài nên người dân chỉ biết trông chờ vào việc giám sát thường xuyên của các cơ quan chuyên môn ở tỉnh, để buộc nhà máy làm đúng theo cam kết", ông Chính chia sẻ.
Ông Âu Đình Thảo, Phó giám đốc Công ty nhiệt điện Duyên Hải khẳng định, từ cuối tháng 10, nhà máy sẽ định kỳ đưa người dân địa phương vào tham quan để dân giám sát trực tiếp, cùng với việc thông qua chính quyền.
“Với các thông số chuyên môn như lượng khí thải, nước, bụi thì có thể người dân không đọc được nên trước mắt chúng tôi đều trích file dữ liệu hằng tuần gửi về Sở TN-MT. Nhưng cái gì trực quan sinh động nhất như xem bãi xỉ được xử lý thế nào, lu lèn, tưới nước ra sao, có gây bụi không thì bằng mắt thường người dân có thể đánh giá được”, ông Thảo nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.