Giám sát đặc biệt các mặt hàng nguy cơ bị trừng phạt thương mại

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/07/2019 13:10 GMT+7

Đồ gỗ, dệt may, thuỷ sản, thép là những mặt hàng tăng trưởng nóng, sẽ được Bộ Công thương đưa vào diện giám sát đặc biệt, tránh nguy cơ bị các đối tác nhập khẩu chính đưa vào diện áp thuế cao, trừng phạt thương mại .

Các mặt hàng tăng trưởng xuất khấu nóng thời gian qua như đồ gỗ, dệt may, thuỷ sản, thép... sẽ được Bộ Công thương đưa vào diện giám sát đặc biệt, để tránh nguy cơ bị các nước nhập khẩu đưa vào diện áp thuế cao, trừng phạt thương mại.
Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi chủ trì cuộc họp sáng 9.7 của Bộ này, triển khai Đề án tăng cường quản lý nhà nước chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, vừa được Thủ tướng ban hành cuối tuần trước.
Theo ông Tuấn Anh, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới, đã giúp doanh nghiệp nội có lợi thế rất cao về ưu đãi thuế quan, tiếp cận thị trường sớm. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ hàng hoá bên ngoài truyền tải vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất đi các thị trường mà chúng ta có ký FTA.
Liệt ra một loạt nhóm ngành hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao thời gian qua như dệt may, điện tử, da giày, đồ gỗ,… ông Tuấn Anh cảnh báo đây là những mặt hàng có nguy cơ trở thành đối tương bị chế tài trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan.
“Nhất là với một số thị trường trọng điểm về xuất khẩu, là đối tác lớn có FTA đã ký như EU, các nước trong CPTPP, Mỹ, khi đây đều là các quốc gia có quy định rất nghiêm khắc, nên nguy cơ nhãn tiền”, ông Tuấn Anh nói, đồng thời dẫn chứng trường hợp Mỹ vừa đánh thuế thuế bổ sung hơn 400% với thép từ Việt Nam có nguồn gốc nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan; hay câu chuyện của tôm nhập nguyên liệu từ các nước nam Á.
Bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho biết thời gian gần đây, một số mặt hàng từ Trung Quốc về Việt Nam tăng rất cao, như máy móc, điện tử, phụ liệu dệt may, đặc biệt là gỗ, tăng đột biến. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này sang các thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Phi chưa tăng trưởng tương ứng.
Vì vậy, bà Hoàng Anh cho rằng cần theo dõi kỹ các mặt hàng này để tránh nguy cơ nhập vào Việt Nam, rồi xuất đi nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng như hưởng lợi xuất xứ.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, dẫn số liệu từ Mỹ cho thấy một số mặt hàng của Việt Nam tăng trưởng nóng, với con số hàng chục phần trăm. “Trong bối cảnh này thì tăng trưởng vậy lo nhiều hơn vui. Vì tăng trưởng thế thì rất cần lưu tâm xem có thật là hàng Việt Nam không hay có cả gian lận, lẩn tránh”, ông Dương bày tỏ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải xác định ngay các nhóm mặt hàng tăng trưởng nóng vào các thị trường trọng điểm để có cơ chế giám sát đặc biệt, nhằm chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại có hiệu quả như thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, với sản phẩm gỗ, dày dép, thép, máy móc phụ tùng và các sản phẩm có nguy cơ bị giả mạo xuất xứ như nông thuỷ sản…
Cùng với đó, Bộ trưởng yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại xây dựng ngay kế hoạch phối hợp với các bộ có nhiệm vụ trực tiếp như Tài chính, Công an, Khoa học - Công nghệ, Kế hoạch - Đầu tư và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam… thống nhất cơ chế lập trung tâm dữ liệu thông tin để chia sẻ các vấn đề liên quan đến chứng nhận xuất xứ, chống chuyển tải hàng hoá, lẩn tránh thương mại…
Ông cũng yêu cầu sớm thông tin đến các hiệp hội, doanh nghiệp về các mặt hàng cần giám sát, các thị trường nóng để các bên cùng có trách nhiệm, phối hợp hiệu quả.
Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại được giao xây dựng kế hoạch hành động của Bộ Công thương thực hiện đề án mà Thủ tướng vừa ký theo hướng phân định nhiệm vụ lớn lâu dài lẫn các công việc trước mắt, có tổ thường trực thực hiện đề án trước ngày 20.7; xây dựng quy chế hoạt động, gồm đề xuất bổ sung hình phạt, chế tài xử lý gian lận thương mại bởi hiện còn quá nhẹ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.