Giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh hàng Việt

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/11/2020 06:31 GMT+7

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành có chương trình cụ thể để thực hiện giảm chi phí logistics xuống tương đương 16 - 20% GDP nhằm nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hóa và nền kinh tế.

Đó là thông điệp được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh tại Diễn đàn Logistics VN 2020 tổ chức hôm qua (26.11) bởi Bộ Công thương, UBND TP.Hà Nội cùng Ngân hàng Thế giới (WB).

Mục tiêu tăng trưởng 15 - 20%

Theo báo cáo của WB, năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của VN xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Phó thủ tướng cho hay kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả; dịch vụ logistics của VN có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12 - 14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60 - 70%, đóng góp khoảng 4 - 5% GDP. Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nói chung.

Quảng Nam hướng đến hình thành trung tâm logistics

Bộ GTVT đã có văn bản kết luận của Thứ trưởng Lê Đình Thọ về một số nội dung sau cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Trong đó, đáng chú ý là kế hoạch xây dựng, phát triển trung tâm logistics tại khu kinh tế mở Chu Lai, hình thành trên cơ sở phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, cảng biển Chu Lai, ga đường sắt Núi Thành và kết hợp với các tuyến đường QL1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Cụ thể, về hàng không, hiện nay Tập đoàn Vingroup đang lập quy hoạch cảng hàng không Chu Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT giao Cục Hàng không VN chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV) đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ga hành khách (công suất phục vụ 5 triệu hành khách/năm), sân đỗ, các hạng mục phục vụ bay... Chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ di dời ga An Mỹ về xã Tam Thành (H.Núi Thành) và nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa tại ga Núi Thành...    
M.Cường
Phó thủ tướng cho hay Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đối với ngành dịch vụ quan trọng này, theo đó “mục tiêu là tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15 - 20%/năm, chiếm tỷ trọng 8 - 10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP”, đồng thời nhấn mạnh, để thực hiện định hướng và mục tiêu trên thì các bộ, ngành và địa phương phải có chương trình cụ thể. Trong đó, Bộ GTVT, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay những thủ tục không cần thiết.

Cần ưu tiên phát triển đường thủy nội địa, đường sắt

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics VN, kiến nghị cần thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động logistics, ứng dụng công nghệ block-chain, trí tuệ nhân tạo nhằm hình thành nền tảng số tích hợp công nghệ hiện có về logistics như hệ thống quản lý vận tải, cảng biển, kho bãi... nhằm phục vụ cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu... để giảm chi phí. Song song đó, việc cần làm ngay để kéo chi phí xuống là phát triển đường thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL, cũng như hệ thống đường sắt liên vận quốc tế. “Ví dụ, tuyến đường thủy Hải Phòng - Bắc Ninh, khoảng cách từ Cảng ICD Tân cảng Quế Võ tới cụm cảng Đình Vũ khoảng 115 km và tới cảng HICT khoảng 135 km với thời gian khoảng 8 - 11 tiếng, sà lan sức chở 120 TEU. Dù thời gian gấp 3 lần đường bộ nhưng chi phí thấp hơn 20%”, ông Khoa nói.
Thông tin thêm về các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các hiệp định thương mại tự do vừa ký kết, như CPTPP, EVFTA hay RCEP, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay “không quá xa so với các cam kết của VN trong WTO”. Riêng đối với dịch vụ logistics, ông Tuấn Anh khẳng định các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ: cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ. “Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao”, ông nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.