Giải quyết các 'nút thắt' cho doanh nghiệp

Đình Sơn
Đình Sơn
11/04/2019 07:44 GMT+7

Đó là bức xúc của lãnh đạo một doanh nghiệp tại hội nghị lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP tổ chức hôm qua 10.4.

Hầu hết các doanh nghiệp đều than trời vì thủ tục hành chính ách tắc và sự tắc trách của người thực thi công vụ.

Sở, ngành đùn đẩy, DN khổ

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Các sở ngành cần phải chủ động bàn bạc với nhau để giải quyết các nút thắt. Trong trường hợp vẫn chưa thể giải quyết thì phải báo cáo lên cấp trên, không để xảy ra hiện tượng không chốt thời gian giải quyết các vấn đề của DN. Phải quyết liệt “vướng chỗ nào hỏi chỗ đó, không được sợ sai”
Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL), nói như khóc rằng mình rất khổ tâm khi các dự án không thực hiện được. QCGL đang có 12 dự án đầu tư tại TP.HCM bị ách tắc, với tổng diện tích đất 150 ha. Nhưng các dự án không phải vướng vì “hồi tố đất công” mà tắc vì thủ tục hành chính và sự tắc trách của cán bộ, công chức nên mãi vẫn không xong.
Cụ thể, công ty bà có 3.000 m2 đất ở tại H.Nhà Bè được chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017. Tháng 10.2018, dự án đã duyệt xong quy hoạch 1/500. Tất cả thủ tục hoàn tất đầy đủ. Tuy nhiên, khi trình UBND TP thì chuyên viên phụ trách trả về với lý do văn bản Sở Xây dựng ghi “cơ bản hoàn thành”, chuyên viên đòi phải khẳng định “hoàn thành”. Chỉ một chữ thôi mà bắt công ty phải làm thủ tục lại từ đầu.
Sau nhiều lần phản ánh, tháng 10.2018, UBND TP đã tổ chức cuộc họp tháo gỡ dưới sự chủ trì của Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến. Ông Tuyến đã có văn bản yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) phối hợp UBND Q.7 điều chỉnh quy hoạch 1/2.000, cập nhật phê duyệt quy hoạch cho doanh nghiệp (DN). Sau đó UBND TP sẽ phê duyệt điều chỉnh cục bộ, thiết lập chủ trương đầu tư cho DN nhưng Sở QH-KT vẫn chưa giải quyết được thủ tục, chưa trình UBND TP với lý do “lo sợ” khu đất có vướng vào đất công và yêu cầu DN qua hỏi thông tin ở Sở Tài chính. Qua Sở Tài chính được trả lời là quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời giám đốc nên đề nghị muốn nhanh thì DN phải tự tìm hồ sơ. “Tôi bỏ cả ăn sáng, ăn trưa và ngồi chầu chực ở Q.7 lấy được hồ sơ, nhưng đến Sở QH-KT thì bị yêu cầu phải có công văn từ Sở Tài chính. Hiện nay nhiều chuyên viên ở các sở, ngành ở TP không hiểu sao rất hoang mang, sợ sai, ngại trình, đề xuất lên lãnh đạo. Họ không trình hồ sơ thì lấy đâu ra trưởng phòng ký, lãnh đạo sở ký”, bà Loan bức xúc.
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Nam Long, hiện một trong những vướng mắc nhiều nhất với DN là các chính sách chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi và thiếu tính thực tiễn dẫn đến nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán kéo dài 2 - 3 năm. Điều này khiến các DN không dám đặt mục tiêu tăng trưởng cao mà chỉ duy trì ở mức độ thấp hoặc âm. Đại diện Tập đoàn Novaland cũng kiến nghị TP sớm công bố văn bản chỉ đạo giải quyết đối với 7 dự án của tập đoàn này để người mua nhà yên tâm. Đồng thời TP kết luận, xử lý theo hướng hỗ trợ DN hoàn tất các thủ tục hành chính còn thiếu, hoặc yêu cầu thẩm định lại tiền sử dụng đất dự án, để DN thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh nộp vào ngân sách nhà nước.

Yếu kém, không dám làm sẽ điều chuyển

Lãnh đạo Sở QH-KT thừa nhận trường hợp của Công ty QCGL là do khâu phối hợp giữa các bên chưa tốt và nhận thiếu sót trong vụ việc. Lãnh đạo sở này sẽ có văn bản báo cáo riêng với lãnh đạo TP và trần tình, do sự kết nối còn lỏng lẻo giữa các đơn vị trước đây, nên chưa giải quyết nhanh, thấu đáo.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay quý 1/2019 thị trường bất động sản khó khăn trầm trọng, nếu không có giải pháp sẽ càng khó hơn. Hiện có vướng mắc phải giải quyết ngay là quy định về đất ở hợp pháp. Bởi trên thực tế 75% dự án là phải làm hạ tầng, nên theo luật, khi thực hiện phải chuyển mục đích từ các loại đất khác sang đất ở hợp pháp. Muốn chuyển được sang đất ở phải lập quy hoạch 1/500. Muốn có quy hoạch 1/500 phải được công nhận chủ đầu tư, nhưng muốn được công nhận chủ đầu tư phải là đất ở hợp pháp. Luật cứ đi lòng vòng như vậy khiến DN không có lối ra. Ông Tuấn cũng thừa nhận, công chức làm cũng sợ sai. "Nhưng phải có năng lực để biết cái gì đúng, cái gì sai để làm. Hồ sơ đúng thì làm, sai thì không làm chứ cái gì cũng sợ mà không làm như hiện nay thì chết DN", ông Tuấn nhấn mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho rằng hiện nay có hiện tượng cán bộ yếu kém và sợ chịu trách nhiệm trong việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến bất động sản. Những bất cập mà DN nêu đều có trách nhiệm của cơ quan nhà nước, UBND TP và cả DN. “Một số lãnh đạo các quận huyện sợ trách nhiệm, không đủ năng lực, yếu kém, không dám làm nên thời gian tới phải điều chuyển. Lãnh đạo các sở ngành phải nắm rõ sự việc, làm việc phải bằng pháp luật chứ không phải nghi ngờ, suy đoán làm khó DN”, ông Tuyến kiên quyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.