Giải ngân gần 71.300 tỉ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
30/08/2019 06:40 GMT+7

Ngày 29.8, tại TP.Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước VN tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, nhằm đối thoại, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong khu vực.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ĐBSCL là vùng kinh tế năng động với nhiều tiềm năng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch; đặc biệt đóng góp tới 4/7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của VN.
Tính từ đầu năm đến cuối quý 2, các tổ chức tín dụng tại ĐBSCL đã giải ngân và cho vay mới với tổng số tiền gần 71.300 tỉ đồng cho trên 4.400 doanh nghiệp (DN) và một số khách hàng khác. Đặc biệt, các chương trình tín dụng đặc thù đạt kết quả tốt, như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt khoảng 2.000 tỉ đồng; cho vay đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ dư nợ đạt trên 1.100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thời gian qua, các DN trong khu vực còn gặp rất nhiều khó khăn, nổi bật là về quy hoạch, tổ chức sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ nhất là thị trường xuất khẩu, vấn đề đất đai, vùng nguyên liệu… Đặc biệt, các DN nhỏ và vừa hiện chiếm đến 97% tổng số DN, sử dụng 50% lực lượng lao động của nền kinh tế và đóng góp khoảng 40% GDP hằng năm; nhưng theo khảo sát của VCCI có đến 70% số DN nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Đại diện các DN kiến nghị cần có sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng để tháo gỡ những khó khăn nêu trên để hỗ trợ cho hoạt động của DN.
Trong thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả của các chương trình, chính sách tín dụng kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu vốn vay phục vụ sản xuất kinh doanh của DN, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp, bao gồm việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.
Đồng thời rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính; hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, DN.
Cũng theo ông Tú, ngành ngân hàng sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN (đặc biệt là DN vừa và nhỏ) tiếp cận vốn tín dụng; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ. NHNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát và đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng; duy trì và nâng cao chỉ số hoạt động thông tin tín dụng cả chiều rộng và chiều sâu, góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng nói riêng, môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.