Giải mã ý nghĩa màu sắc các thương hiệu nổi tiếng

16/12/2015 14:47 GMT+7

Tại sao nước giải khát Coca-Cola có logo màu đỏ và trắng, chuỗi cà phê Starbucks lấy màu xanh chủ đạo còn hãng Google lại chọn biểu tượng có màu cầu vồng? Bài viết này là lời giải cho câu hỏi trên.

Tại sao nước giải khát Coca-Cola có logo màu đỏ và trắng, chuỗi cà phê Starbucks lấy màu xanh chủ đạo còn hãng Google lại chọn biểu tượng có màu cầu vồng? Bài viết này là lời giải cho câu hỏi trên.

Ảnh: ReutersẢnh: Reuters
Theo trang Business Insider, với một số nhãn hiệu, màu sắc chủ đạo mà họ dùng đôi khi cũng trở nên độc đáo và riêng biệt hệt như logo, thậm chí tên gọi của chúng. Dưới đây là vài thông tin về nguồn gốc các màu sắc chủ đạo của nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Màu đỏ và trắng của Coca-Cola bắt đầu được sử dụng từ giữa những năm 1890, khi công ty bắt đầu vẽ lên những thùng si-rô bằng sơn đỏ để cơ quan thuế có thể dễ dàng phân biệt các sản phẩm này với rượu trong khi vận chuyển. Năm 1924, Coca-Cola thậm chí còn đặt tên cho tạp chí đầu tiên của họ là "The Red Barrel" (Cái thùng đỏ) - Ảnh: Facebook Coca-Cola
Ông lớn công nghệ Google chọn một logo có màu cầu vồng và cả màu sắc, thứ tự sắp xếp màu đều nhằm gửi gắm thông điệp vui vẻ, hài hước. Nhà thiết kế đồ họa Ruth Kedar, người phát triển logo của Google cho hay: “Chúng tôi chọn các màu cơ bản, nhưng thay vì sắp xếp màu một cách có thứ tự, chúng tôi cho chữ “L” một màu sắc khác, vì muốn ngụ ý rằng hãng Google sẽ không tuân theo quy tắc nào cả” - Ảnh: Reuters
Hãng xe BMW chọn biểu tượng màu xanh và trắng. Nhiều người cho rằng biểu tượng này vẽ một lưỡi cắt cánh quạt trên bầu trời trong xanh. Tuy nhiên, ý nghĩa thực sự ở đây là các góc phần tư trong logo đại diện cho các màu sắc Bavarian Free State, vùng nằm ở phía đông nam nước Đức và là bang lớn nhất, chiếm 1/5 diện tích đất liền của nước này - Ảnh: Reuters
Tại sao logo Facebook có màu xanh dương? Đó là vì nhà sáng lập trang mạng xã hội, tỉ phú Mark Zuckerberg, bị mù màu, anh không thể nhìn thấy được màu đỏ và xanh lá cây. “Màu xanh dương là màu sắc phong phú nhất đối với tôi. Tôi có thể nhìn thấy trọn vẹn màu xanh”, Zuckerberg chia sẻ với tờ New Yorker - Ảnh: Reuters
Biểu tượng thương hiệu hãng dầu khí Shell mang màu vàng và đỏ, được sử dụng từ năm 1915, khi công ty Shell Company of California bắt đầu xây dựng các trạm dịch vụ. Màu vàng và đỏ được chọn vì nó nổi bật và tươi sáng hơn so với các đối thủ khi đó. Hai màu sắc trên cũng được chọn vì sự liên kết chặt chẽ của tiểu bang California với Tây Ban Nha - Ảnh: Reuters
Màu nâu pullman sơn xe tải của công ty chuyển phát UPS xuất hiện từ năm 1916. Cựu phó giám đốc quảng cáo và truyền thông của hãng này cho biết màu nâu “là hình ảnh thu nhỏ của sự sang trọng và đẳng cấp thời đó” - Ảnh: Reuters
Thương hiệu trang sức Tiffany & Co. xây dựng một màu xanh trứng robin đặc trưng, được gọi là màu xanh Tiffany. Charles Lewis Tiffany, nhà sáng lập công ty này, từng chọn màu này cho “Blue Book” - bộ sưu tập đồ trang sức thường niên được xuất bản từ năm 1845. Tiffany & Co. cho biết có thể họ đã chọn màu này vì sự phổ biến của các loại đá quý màu ngọc lam trên trang sức hồi thế kỷ thứ 19, hoặc vì đây là màu sắc ưa thích của các cô dâu sống dưới Thời đại Victoria - thời kỳ chứng kiến nhiều tiến bộ công nghiệp, chính trị và quân sự tại Vương quốc Anh - Ảnh: Reuters
Ban đầu, chuỗi cà phê Starbucks chọn logo có màu nâu, song sau đó lại chuyển sang màu xanh lá. CEO Starbucks Howard Schultz tiết lộ rằng ông mở quán cà phê espresso của riêng mình, mang tên Il Giornale, sau khi ông bỏ việc một thời gian ngắn vì đã không thể thuyết phục chủ quán Starbucks lúc đó thêm cà phê vào thực đơn. Năm 1987, chủ sở hữu Starbucks bán lại doanh nghiệp cho Schultz và ông bắt đầu giới thiệu món espresso trong nhà hàng. Màu sắc logo mới là sự kết hợp của quán Starbucks cũ và quán Il Giornalse - Ảnh: Starbucks
Màu tím của Yahoo ra đời khi nhà sáng lập hãng này, ông David Filo, đi ra ngoài mua sơn để sơn lại các bức tường văn phòng tồi tàn của họ vào năm 1995. Có hai phiên bản khác nhau giải thích vì sao Filo lại chọn màu tím. Câu chuyện đầu kể rằng tiệm bán sơn mà ông Filo đến đại hạ giá sơn màu tím, và câu chuyện thứ hai thì nói rằng thực ra ông Filo đã sơn văn phòng màu xám, nhưng vì ánh sáng huỳnh quang trong văn phòng biến chúng trở thành màu tím - Ảnh: Reuters
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.