Giá vốn tăng 7%, giá bán lẻ được tăng tương ứng

18/09/2009 23:58 GMT+7

Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo về Nghị định Điều hành giá xăng dầu. Nội dung dự thảo đề cập khá chi tiết về mức tăng giá được phép cũng như các quy định về bù lỗ.

Theo dự thảo này, Nhà nước sẽ quy định cơ cấu tính giá xăng dầu thành phẩm nhập khẩu (chứ không phải dầu thô) để hình thành giá bán trong nước. Theo đó, giá vốn bán lẻ xăng dầu thành phẩm nhập khẩu = [giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt] x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế VAT + Phí xăng dầu + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định hiện hành của pháp luật + Chi phí kinh doanh của doanh nghiệp + Lợi nhuận.

 Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cơ cấu giá thành được quy định cụ thể sẽ là cơ sở để người tiêu dùng giám sát, để Nhà nước có thể kiểm soát được các yếu tố hình thành giá khi có biến động hoặc khi phát hiện doanh nghiệp tính giá không đúng.

Dự thảo cũng quy định, Nhà nước hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu để phục vụ mục tiêu bình ổn giá khi giá thị trường thế giới tăng làm cho giá vốn trong nước tăng đột biến. Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một khoản trích bằng tiền cụ thể và được xác định là một khoản mục chi phí trong cơ cấu giá thành để hình thành giá bán tính đúng, tính đủ của giá bán lẻ xăng dầu.

Chiều 18.9, Liên bộ Tài chính - Công thương vừa có văn bản cho phép các doanh nghiệp chưa phải giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xăng dầu phải trích 100 đồng cho mỗi lít dầu diezel và 200 đồng mỗi lít dầu hỏa được bán ra, nộp vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quyết định này có hiệu lực từ 19.9.2009.

Về việc điều chỉnh tăng, giảm giá xăng dầu, dự thảo cũng có những quy định rất cụ thể. Đối với trường hợp điều chỉnh tăng giá: khi giá vốn bình quân trong thời gian dự trữ lưu thông tăng đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Khi giá vốn tăng từ trên 7% đến 12% so với giá bán lẻ hiện hành doanh nghiệp được quyền tăng giá 7% nói trên, cộng thêm 60% của mức giá vốn tăng từ 7%-12%; 40% của giá vốn tăng còn lại được bù đắp bằng quỹ bình ổn giá.

Khi giá vốn tăng trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, Nhà nước sẽ công bố áp dụng một biện pháp hoặc kết hợp các biện pháp bình ổn giá như: cho phép doanh nghiệp điều chỉnh giá ở mức độ nhất định, ngừng trích quỹ bình ổn giá, giảm thuế hoặc áp dụng các biện pháp hành chính, tài chính khác.

Đối với trường hợp điều chỉnh giảm giá: khi giá vốn bình quân trong thời gian dự trữ lưu thông giảm đến 7% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Khi giá vốn giảm trên 7% đến 12%, doanh nghiệp phải giảm giá bán lẻ tương ứng. Khi giá vốn giảm trên 12%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp khôi phục các chính sách điều tiết về tài chính (thuế, quỹ bình ổn giá,...) doanh nghiệp tiếp tục giảm giá bán, không hạn chế khoảng thời gian giữa hai lần giảm giá và số lần giảm giá.

Ông Thỏa cho biết: với cơ chế điều hành mới được quy định như dự thảo nghị định, Nhà nước can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng môi trường pháp lý, chỉ can thiệp trực tiếp bằng những biện pháp thích hợp và được công bố công khai khi thị trường có những biến động bất thường. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt để điều hành giá trong thời gian tới, chống lại quan điểm "neo giá" trong nước quá cao không hợp lý bất chấp sự giảm giá trên thị trường thế giới hoặc "đông giá" ở mức thấp bất hợp lý khi giá thế giới đã tăng và các yếu tố hình thành giá đã thay đổi.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.