Giá vàng trong nước cao hơn thế giới kỷ lục

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/08/2021 06:32 GMT+7

Giá vàng trong nước cao hơn thế giới kỷ lục, gần 9 triệu đồng mỗi lượng. Điều này khiến người nắm giữ vàng có lợi, nhưng người mua thời điểm này đầy rủi ro.

Không giao dịch, vẫn "găm" giá cao

Giá vàng trong nước giảm chậm hơn thế giới đã đẩy mức chênh lệch ngày càng cao, lên mức cao kỷ lục gần 9 triệu đồng mỗi lượng. Ngày 11.8, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 56,2 triệu đồng/lượng và bán ra 56,9 triệu đồng/lượng. So với cách đây gần 1 tuần, vàng miếng SJC giảm 350.000 đồng/lượng, mức giảm khá chậm so với 80 USD/ounce (tương ứng 2,2 triệu đồng/lượng) của kim loại quý trên thị trường quốc tế, xuống còn 1.730 USD/ounce.
So với thời điểm cách đây 1 năm, vàng thế giới đã giảm hơn 330 USD/ounce (quy đổi hơn 9,1 triệu đồng/lượng) tính từ mức kỷ lục 2.063 USD/ounce; nhưng vàng miếng SJC chỉ giảm 5 triệu đồng/lượng tính từ mức giá kỷ lục 62 triệu đồng/lượng. Riêng vàng nữ trang, nhẫn (cùng chất lượng 4 số 9 như vàng miếng SJC) có mức giá cao hơn thế giới khoảng 2 - 3 triệu đồng/lượng. Công ty SJC mua vàng nhẫn 4 số 9 với giá 50,25 triệu đồng/lượng và bán ra 51,05 triệu đồng/lượng; nữ trang 4 số 9 có giá mua vào 49,95 triệu đồng/lượng và bán ra 50,65 triệu đồng/lượng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới (NPJ), không ai hưởng lợi khi vàng SJC đứng ở mức cao hơn thế giới lên gần sát 9 triệu đồng/lượng. Bởi trong bối cảnh giãn cách hiện nay, hệ thống mua bán vàng trên cả nước gần như tê liệt. Tại thị trường TP.HCM nhiều tháng nay các cửa hàng đóng cửa, gần đây thị trường Hà Nội cũng tương tự.
"Các hoạt động mua bán không diễn ra thì cũng không có ai chốt lời. Giới kinh doanh vàng “neo” ở mức cao để giữ giá là chính, chứ không phản ánh đúng những diễn biến trên thị trường là khi lực mua cao hơn lực bán mới đẩy chênh lệch giá trong và ngoài nước tăng cao. Không những vàng miếng mà cả thị trường nữ trang cũng vậy, không có giao dịch. Các đơn vị cũng ngưng tổ chức sản xuất vì không đáp ứng được điều kiện 3T", ông Trọng nói.
Tuy nhiên, ông Trọng cũng cho rằng, người đang nắm giữ vàng hiện nay là hưởng lợi từ mức giá trong nước cao hơn thế giới. Ngay cả với người mua vàng vào thời điểm này năm ngoái với mức giá 60 triệu đồng/lượng cũng đỡ lỗ hơn khi giá đang quanh mức 57 triệu đồng/lượng, giảm 3 triệu đồng/lượng thay vì mức giảm sâu hơn 9 triệu đồng/lượng của vàng thế giới.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn cấp cao Công ty VFL, nhận xét giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng là khó chấp nhận và người mua vàng thời điểm này sẽ gặp rất nhiều rủi ro về giá. Đặc biệt, việc giữ giá cao khi thị trường không có hoạt động mua bán gì cũng là điều khó hiểu. Các thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn như Ấn Độ, Trung Quốc cũng đang phòng chống dịch nên sức tiêu thụ không nhiều và giá giảm là hợp lý.

Không tác động đến USD và tiền gửi

Khi giá vàng chênh lệch quá cao, vàng nhập không chính thức sẽ gia tăng vào Việt Nam. Nhiều vụ buôn lậu vàng gần đây cũng được các cơ quan chức năng bắt giữ. Đơn cử mới đây, Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum phát hiện bắt giữ ông N.V.T (tài xế xe tải, thường trú tỉnh Gia Lai) nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam vận chuyển 1,7 kg vàng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Người này khai nhận vận chuyển cho một phụ nữ từ Lào về Việt Nam giao cho một người ở H.Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, với tiền công 200.000 kíp Lào.
Trước đó, đầu tháng 7, giới kinh doanh vàng rúng động khi lực lượng Công an tỉnh An Giang phá đường dây buôn lậu 51 kg vàng qua biên giới Campuchia do N.T.K.H (sinh năm 1969) thực hiện. Đồng thời, lực lượng công an khám xét 15 cửa hàng kinh doanh vàng và nơi ở của một số đối tượng có liên quan đến đường dây buôn lậu của N.T.K.H trên địa bàn TP.Châu Đốc và H.An Phú thu giữ khoảng 36 kg vàng, 1,27 triệu USD, hơn 1,7 tỉ đồng… Cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 17 bị can và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Trước đó, vào tháng 5, lực lượng biên phòng vừa phối hợp Hải quan An Giang bắt giữ vụ vận chuyển 5 kg vàng trái phép từ Campuchia về Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, lượng vàng lậu cũng rất khó lọt lưới trong thời điểm chống dịch, bởi các cửa khẩu được kiểm soát chặt chẽ.

Giá USD giảm mạnh

Ngày 11.8, các ngân hàng thương mại giảm mạnh giá 100 đồng mỗi USD, đây là mức giảm khá mạnh của các nhà băng kể từ đầu năm đến nay trong 1 ngày và tụt mất mức giá 23.000 đồng/USD. Vietcombank mua USD với giá còn 22.670 - 22.700 đồng/USD và bán ra còn 22.900 đồng/USD; Eximbank mua USD với giá 22.700 - 22.720 đồng/USD và bán ra 22.880 đồng/USD…
Nguyên nhân khiến các nhà băng giảm giá mạnh đồng bạc xanh đến từ việc Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước giảm giá mua USD từ 22.975 đồng mỗi USD xuống còn 22.750 đồng, đây là lần thứ hai Sở giao dịch giảm giá mua USD với tổng mức giảm 375 đồng/USD, tương ứng giảm 1,62%. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng dừng việc mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng, chuyển sang mua giao ngay.
Các ngoại tệ khác trong ngân hàng cũng giảm giá khá mạnh. Tại Vietcombank, giá euro giảm 160 đồng, mua vào còn 26.046 - 26.309 đồng và bán ra 27.402 đồng; France Thụy Sĩ giảm 165 đồng, mua vào còn 24.107 - 24.350 đồng và bán ra 25.114 đồng; bảng Anh giảm 175 đồng, mua vào còn 30.735 - 31.046 đồng và bán ra 32.019 đồng …
Ông Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, chênh lệch kỷ lục giá vàng hiện nay không ảnh hưởng đến nền kinh tế như những năm trước. Trước đây, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới gia tăng đồng nghĩa với lực mua vàng trên thị trường tăng cao, nhiều người dân rút tiết kiệm mua vàng, đồng thời giá USD cũng tăng mạnh. Còn hiện nay hoàn toàn khác, nhu cầu mua vàng của người dân không có hoặc có ở mức thấp, không tác động đến nguồn vốn huy động của các ngân hàng, giá USD lại có xu hướng giảm những ngày gần đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.