Giá váng sữa ở Việt Nam quá cao: 'Thấp thoáng' béo phì, 'thấp thoáng' suy dinh dưỡng

05/04/2019 10:01 GMT+7

Trên các hộp váng sữa đều ghi rõ chỉ sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và đa số thành phần chính là… chất béo.

Thành phần chính là chất béo

Nhiều ý kiến cho rằng váng sữa là một chế phẩm của sữa. Trước đây, váng sữa được chế biến bằng cách vớt phần trên cùng của sữa và cho làm lạnh. Ngày nay, thông tin từ các nhà sản xuất, đa số nhà máy sản xuất váng sữa sử dụng máy ly tâm để tách phần trên cùng của sữa cho nhanh. Vì là chế phẩm của sữa nên thành phần của váng sữa cũng gồm có chất đạm, chất béo, chất đường, các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, tỷ lệ các chất dinh dưỡng này hoàn toàn khác trong sữa và cũng khác trong mỗi loại váng sữa.
Chẳng hạn, trên nhãn hũ váng sữa thương hiệu Zott Monte hương socola được nhập khẩu từ Đức, ghi thành phần gồm: sữa nguyên kem 49%, kem, đường, tinh bột biến tinh, bột cacao ít béo (0,8%), hạt dẻ dạng paste (0,5%), bột socola (0,5%), chất ổn định Carrageenan (E7), gôm đậu carob (E), calcium citrate, hương socola tự nhiên. Công dụng bổ sung canxi và vitamin A cho cơ thể. Thông tin dinh dưỡng trong 100 g gồm: năng lượng 195 Kcal, Protein 2,8 g, Carbohydrate 15,9 g, chất béo 13,3 g, canxi 120 mg, vitamin A 120 ug, chất xơ 0,4 g. Một hộp váng sữa này có trọng lượng 55 g. Như vậy các chất kể trên chỉ có một nửa trong một hộp.
Nhiều bà mẹ chọn yogurt trong nước làm món ăn dặm cho trẻ Lam Nghi
Tuy nhiên cũng cùng nhãn hiệu trên nhưng trong hộp Zott Monte hương vani, thông tin dinh dưỡng có khác nhau gồm: năng lượng 185 Kcal, Protein 2,6 g, Carbohydrate 13,5 g, chất béo 13,4 g, canxi 120 mg, vitamin A 120 mcg, chất xơ 0,1 g.
Còn tại nhãn của lốc Hoff, thành phần các chất gồm nước, đường, bột sữa gầy, kem sữa, chất béo sữa, dầu thực vật, chất ổn định Carrageenan, màu dùng cho thực phẩm… Thông tin dinh dưỡng gồm năng lượng 93 Kcal, chất béo 9%, cholesterol 140 mg (47%), sodium 25 mg, Carbohydrate 8,5 g, chất xơ 0,35 g, chất đạm, calcium 116 mg, kali 70 mg, Vitamin A 55 mcg, Vitamin D 0,55 mcg, sắt 0,2 mg.
Trong khi đó, dinh dưỡng của một hộp sữa chua Vinamilk gồm năng lượng 99,6 Kcal, chất đạm 3,3 g, chất béo 3,2 g, cacbon 14,4 g, Calcium 100 mg, VitaminD 45IU. Thành phần gồm sữa bò tươi, đường tinh luyện, whey bột, galetin thực phẩm, chất ổn định (1422,471), men Streplococcus thermophilus và Lactobacillus bulgaricus và không sử dụng chất bảo quản…
Theo thông tin trên các nhãn sản phẩm, trong váng sữa, thành phần chủ yếu là chất béo, chất đạm rất thấp, các vitamin và khoáng chất cũng thấp. Lượng chất béo trong một hộp váng sữa chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần và cao gấp đôi so với chất béo có trong một ly sữa thông thường của trẻ. Theo khuyến cáo của bác sĩ Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, tỷ lệ chất béo (lipid) chiếm khoảng 50% tổng năng lượng của hũ váng sữa, kế đến là chất bột đường (carbohydrate) khoảng trên dưới 40%, chất đạm (protein) chỉ khoảng 6-7%. Thế nên, cho rằng váng sữa là nguồn cung cấp năng lượng cao cũng không sai nhưng hoàn toàn không đồng nghĩa với nhận định rằng “váng sữa có nhiều chất dinh dưỡng” như người bán và người mua đang truyền miệng nhau tại thị trường Việt Nam.

Lạm dụng sẽ béo phì

Giải thích kĩ hơn, bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, bản chất của váng sữa là hàm lượng chất béo rất cao nên cung cấp năng lượng cao vì 1 g chất béo cung cấp đến 9 Kcal, trong khi 1 g chất bột đường hoặc chất đạm chỉ cung cấp 4 Kcal. Theo chuyên gia này, váng sữa không đủ protein và các vi chất dinh dưỡng cần thiết nên không thay thế sữa mẹ, sữa công thức và các thức ăn dặm giàu dinh dưỡng khác. Nếu lạm dụng sẽ gây béo phì, thừa cân. Còn theo Hiệp hội Dinh dưỡng Việt Nam, sản phẩm này phù hợp với trẻ đang thiếu cân, suy dinh dưỡng hơn là trẻ bình thường và có xu hướng thừa cân. 
Yogurt nhập bán trên mạng phong phú hương vị và nhãn mác Lam Nghi
Trong bài nghiên cứu của chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành cũng chỉ ra váng sữa nguyên chất được đem chế biến nhiều thứ, trong đó sản phẩm được làm phổ biến nhất từ váng sữa là bơ. Và độ béo trong bơ lên đến hơn 80% và đa số là acid béo bão hòa, không tốt cho tim mạch nếu sử dụng nhiều. Trong bếp núc, váng sữa được dùng như một loại gia vị để trộn xà lách, nấu một số món thịt hầm… Và chuyên gia này khẳng định: “Váng sữa cho trẻ em chỉ là tên gọi chung chung. Thực ra, đó là món ăn, được xem là món tráng miệng, có nguyên liệu chính là váng sữa, rồi thêm vào chất tạo sệt, đường, hương vị, màu mè để trẻ ăn vặt. Hàm lượng chất béo trong váng sữa trẻ em khoảng 15-20% tùy theo loại. Váng sữa cho trẻ em thực ra chỉ có béo, chứ không bổ và thành phần chất béo là chính, chứ lượng protein, vitamin, khoáng... không bao nhiêu, kể cả chất lợi khuẩn”.
Thế nên, cho trẻ ăn nhiều váng sữa thật chất là bổ sung quá mức chất béo cho trẻ và quảng cáo váng sữa là nguồn năng lượng cao không sai, nhưng thấp thoáng phía sau là… béo phì. Nhưng nếu lạm dụng như món ăn chính thay sữa lại khiến trẻ rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng vì cảm giác no sẽ khiến trẻ không nạp thêm được các loại thức ăn khác, dẫn đến thiếu chất. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm thì yogurt dùng cho trẻ tốt hơn nếu xét về lợi khuẩn và chất dinh dưỡng, bên cạnh đó là sữa. “Lợi khuẩn trong yogurt nhiều hơn so với váng sữa lên men. Ngại béo thì cho trẻ ăn yogurt làm từ sữa gầy. Yogurt nhà làm, nếu làm đúng cách, còn dồi dào lợi khuẩn và bổ béo hơn nhiều so với yogurt công nghiệp”, chuyên gia Vũ Thế Thành cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.