Giá vàng ngày 15.4: SJC rẻ hơn thế giới 700.000 đồng/lượng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/04/2020 08:47 GMT+7

Giá vàng thế giới ngày 15.4 tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua khi dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào. Tăng chậm hơn, vàng SJC đang giá rẻ hơn thế giới khoảng 700.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC ngày 15.4 tăng thêm 100.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào lên 47,9 triệu đồng/lượng và bán ra lên 48,6 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 47,75 triệu đồng/lượng, bán ra 48,55 - 48,57 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC ở mức cao nhất trên thị trường được Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) công bố ở 48,85 triệu đồng/lượng bán ra và mua vào chỉ 47,65 triệu đồng/lượng. Giá vàng nguyên liệu tăng nhẹ 100.000 đồng/lượng, mua vào ở mức 45,3 - 45,5 triệu đồng/lượng, bán ra 45,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng chậm do giao dịch trên thị trường khá ảm đạm. Vàng SJC rẻ hơn thế giới 700.000 đồng/lượng, còn vàng nguyên liệu thấp hơn đến 3,4 triệu đồng/lượng.
Tốc độ tăng giá kim loại quý trên thị trường quốc tế vẫn giữ vững trong ngày 15.4 với mức 10 - 18 USD/ounce, lên 1.724 USD/ounce (tương đương giá quy đổi khoảng 49 triệu đồng/lượng). Trong đêm 14.4 (tính theo giờ Việt Nam) trên thị trường Mỹ, vàng đã tăng giảm mạnh trong biên độ 47 USD/ounce, từ 1.703 đến 1.750 USD/ounce.
Dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào vàng. Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR mua thêm 7,89 tấn, lượng vàng nắm giữ của quỹ này lên 1.017,59 tấn. Theo nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank, các quỹ đầu tư ETF đã tích lũy được 77 tấn vàng kể từ đầu tháng 4. Trước đó, Hội đồng vàng thế giới báo cáo vào tuần trước rằng nắm giữ quỹ ETF toàn cầu đã tăng 151 tấn trong tháng 3, với tổng lượng nắm giữ trong quý đầu tiên tăng thêm 298 tấn, nhiều nhất kể từ năm 2016. Các quỹ ETF đã tăng mua trong 16 ngày làm việc liên tiếp, với mức tăng hơn 10 triệu ounce.
Các chuyên gia nhận định vàng đang được hưởng lợi từ số tiền khổng lồ mà các ngân hàng trung ương bơm vào các nền kinh tế trước đại dịch Covid-19. Việc giảm hàng núi nợ này có lẽ sẽ mất nhiều thế hệ, vì vậy, hầu như không ngạc nhiên khi vàng có nhu cầu như một kho lưu trữ giá trị.
Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới suy giảm mạnh nhất kể từ đại suy thoái thập niên 1930. Kinh tế toàn cầu suy giảm 3% trong năm nay và chỉ phục hồi nhẹ trong năm 2021. Dịch Covid-19 sẽ đạt đỉnh tại hầu hết quốc gia trong quý 2 và sóng gió sẽ phủ lên kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm 2020. Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tình trạng đóng cửa kinh doanh trong dài hạn và gặp nhiều khó khăn trong việc mở cửa trở lại. Mỹ và các quốc gia lớn tại châu Âu sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất với mức suy giảm từ 5,9% đến 9,1% trong năm 2020. IMF cảnh báo thêm rằng, nếu có một đợt tái bùng phát dịch bệnh trong năm 2021, thế giới sẽ chìm trong suy thoái năm thứ hai liên tiếp, GDP toàn cầu sẽ tiếp tục lao dốc từ 5% tới 8%.
Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang phục hồi sau đại dịch. Trung Quốc vừa công bố xuất khẩu tháng 3 giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, ít hơn so với mức dự kiến; tương tự nhập khẩu đã giảm 0,9% trong kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.