Giá USD ngày 6.8.2020: Trượt giảm không phanh

Thanh Xuân
Thanh Xuân
06/08/2020 09:05 GMT+7

Đồng bạc xanh ngày 6.8 tiếp tục giảm sâu trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 vẫn lây lan, tác động đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu.

Ngày 6.8, Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá trung tâm 5 đồng/USD, xuống còn 23.203 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng chiều ngày 5.8 giảm nhẹ 1 đồng, còn 23.174 đồng/USD – thấp hơn giá mua USD của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.175 đồng/USD. Lãi suất USD giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ 0,01 – 0,02%. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm 0,2%/năm, 1 tuần 0,28%/năm, 2 tuần 0,38%/năm, 1 tháng 0,55%/năm. Các ngân hàng thương mại giữ giá USD ở mức thấp, Vietcombank mua USD với giá 23.060 đồng/USD, bán ra 23.270 đồng/USD; Eximbank mua USD với giá 23.080 đồng/USD, bán ra 23.250 đồng/USD… USD tự do giảm 10 đồng, còn 23.145 đồng/USD, bán ra 23.175 đồng/USD – thấp hơn giá bán USD của ngân hàng thương mại 75 – 95 đồng/USD.
Trên thị trường quốc tế, giá USD giảm sâu so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index giảm 0,5 điểm, xuống 92,74 điểm. Thị trường đang nghi ngờ về đà hồi phục kinh tế cũng như gói hỗ trợ kinh tế mà Mỹ đang bàn. Trong khi đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn gia tăng, số người lây nhiễm toàn cầu đã lên 18,956 triệu, trong đó có 710.053 người tử vong, riêng tại Mỹ số ca lây nhiễm tăng lên 4,973 triệu người và tử vong lên 161.596 người. Theo Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại nước này đã giảm từ mức 54,8 tỉ USD của tháng 5 xuống còn 50,7 tỉ USD trong tháng 6, trong khi con số dự báo là 50,1 tỉ USD. Viện Quản lý Nguồn cung ISM Mỹ công bố chỉ số PMI lĩnh vực phi sản xuất tại nước này ở mức 58,1%, cao hơn so với 51,7% của tháng 6 và mức dự báo 55,0%.
Tổ chức thương mại thế giới (WTO) dự báo tổng giá trị thương mại toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 13% so với năm 2019, thấp hơn con số dự báo 32% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 4. Các nước thành viên WTO đang thực hiện thúc đẩy nhập khẩu với quy mô lớn. Bên cạnh đó, các nước này cũng cắt giảm các biện pháp hạn chế thương mại đã áp dụng trước đây, chủ yếu là xóa bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, một số nước đang có xu hướng tiến tới tự cung tự cấp như một cách đối phó với đại dịch Covid-19, nếu xu hướng này lan rộng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi nguồn cung toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.