Giá USD ngày 28.6.2020: Giảm nhẹ sau một tuần

28/06/2020 08:41 GMT+7

Giá USD ngày 28.6 thay đổi không đáng kể sau một tuần giữa lúc nhà đầu tư toàn cầu lo lắng vì dịch Covid-19 .

Chốt cuối tuần, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.232 đồng/USD, giảm 2 đồng so với cuối tuần trước đó. Tương tự, giá USD tại các ngân hàng thương mại biến động khác nhau. Chẳng hạn tại Vietcombank, giá USD hiện ở mức 23.090 - 23.300 đồng/USD, giảm 10 đồng so với cuối tuần trước; Vietinbank giảm 12 đồng còn 23.120 - 23.300 đồng/USD. Riêng Eximbank giữ nguyên giá giao dịch USD là 23.120 - 23.290 đồng/USD như cuối tuần trước... Giá USD trên thị trường tự do cũng giảm 10 - 20 đồng sau một tuần, còn 23.180 - 23.210 đồng/USD.
Ngược lại, giá euro trong tuần nhích nhẹ. Tại Vietcombank, giá euro tăng thêm 30 – 31 đồng so với cuối tuần trước lên 25.392 – 26.687 đồng/euro. Giá euro tại Eximbank lại đứng yên ở mức 25.775 – 26.221 đồng/euro sau một tuần. Đồng euro trên thị trường tự do tăng thêm 10 đồng lên 25.980 – 26.080 đồng/euro...
Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index cuối tuần đạt 97,50 điểm, giảm 0,17 điểm so với cuối tuần trước đó. Nhưng nhìn chung trong suốt tuần, đồng USD đã hồi phục phần nào khi các nhà đầu tư đang tỏ ra thận trọng với nguy cơ bùng phát trở lại dịch Covid-19. Tỷ giá euro so với USD cũng tăng lên khi 1,1224 USD, đạt mức tăng hàng tuần là 0,4%.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP toàn cầu sụt giảm mạnh hơn dự kiến. Theo IMF, sự thay đổi trong tâm lý thị trường có thể được kích hoạt bởi các yếu tố như làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2, bất ổn xã hội, thay đổi chính sách tiền tệ và căng thẳng thương mại. Cập nhật trong báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu mới công bố, IMF nhận định việc các thị trường và nền kinh tế thực mất đi mối tương quan đang làm tăng nguy cơ về một đợt điều chỉnh đối với giá các loại tài sản rủi ro nếu hứng thú đầu tư vào các tài sản này giảm bớt. Đây sẽ là rủi ro cho đà phục hồi của nền kinh tế. Theo cơ quan này, một đợt điều chỉnh được định nghĩa là giá tài sản hoặc chỉ số nào đó giảm ít nhất 10%. “Thế giới đang rơi vào tình trạng bất ổn rất lớn”, bà Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nói với CNBC. Theo bà, thế giới cần phải tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ với quy mô lớn nhưng hình thức thực hiện nên phụ thuộc vào tốc độ phục hồi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.