Giá USD hôm nay 17.3.2021: Sụt giảm và rời xa mức 24.000 đồng

17/03/2021 09:46 GMT+7

Giá USD sáng 17.3 đồng loạt sụt giảm khi kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế gia tăng.

Sáng 17.3, giá USD trên thị trường tự do tiếp tục đi xuống. Một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM công bố giá mua vào 23.870 đồng/USD và bán ra 23.950 đồng/USD, giảm 30 đồng ở chiều mua vào và giảm 20 đồng ở chiều bán ra so với ngày hôm trước. Điều này lại kéo chênh lệch giữa giá mua và bán tăng thêm 10 đồng, lên 80 đồng/USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố đứng yên ở mức 23.204 đồng/USD. Còn một số ngân hàng thương mại giảm nhẹ tỷ giá vào đầu ngày như Vietcombank giảm 50 đồng, xuống giá mua vào 22.955 đồng/USD và bán ra 23.165 đồng/USD; Eximbank giảm 10 đồng ở giá mua vào, còn 22.960 đồng/USD nhưng giữ nguyên giá bán ra 23.160 đồng/USD... Nguồn cung ngoại tệ tại Việt Nam vẫn khá dồi dào khi cả nước trong 2 tháng đầu năm tiếp tục xuất siêu 1,64 tỉ USD.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index tiếp tục nhích lên 91,92 điểm, tăng 0,07 điểm so với ngày hôm trước. Đồng euro so với USD tăng 0,04% lên 1,1904; đồng bảng Anh so với USD tăng 0,12% lên 1,3884. Đồng USD có xu hướng tăng so với yen Nhật, nhưng giảm so với đồng euro và bảng Anh.
Theo Reuters, tâm lý thận trọng đã thống trị các thị trường tiền tệ trong bối cảnh cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang diễn ra. Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự báo nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vào năm 2021 với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát tăng. Tuy nhiên, ít có khả năng cơ quan này thay đổi chính sách tiền tệ trong cuộc họp lần này. Vì vậy tỷ giá USD có thể sẽ duy trì ổn định cho đến khi kết quả của cuộc họp được đưa ra.
Còn trong cuộc họp trực tuyến ngày 16.3, bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone đã thống nhất về chủ trương sẽ không siết chặt chi tiêu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp diễn tại châu lục này, đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ của các nước trong khu vực là giải quyết vấn đề nợ công tăng cao. Trong bối cảnh đó, các nước thành viên sẽ được tự do đưa ra các gói cứu trợ kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp "sống sót" trong đại dịch mà không cần lo ngại đến việc phải gánh chịu trừng phạt của EU...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.